Mỹ hối thúc WB triển khai thêm các biện pháp cải cách
Ngày 13/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nên bổ sung các biện pháp cải cách.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Washington, DC, Mỹ. |
Yêu cầu cải cách WB xuất hiện trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi ngân hàng này điều chỉnh để đáp ứng những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Phát biểu mở đầu cuộc thảo luận bàn tròn, bà Yellen cho rằng, nên dành khoảng thời gian còn lại của năm 2023 để thực hiện thêm các biện pháp cải cách, với cách tiếp cận triển khai theo nhiều giai đoạn.
Bà Yellen cho rằng, từ nhiệm vụ của WB hiện nay có thể thấy những điểm nổi bật gồm tầm quan trọng của tính toàn diện, bền vững và khả năng chống chọi tốt trước các cú sốc toàn cầu, vạch ra nhiều thay đổi trong hệ thống.
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định, các mục tiêu vẫn có sự liên kết nội tại với công việc hiện nay của WB là giảm nghèo và phát triển.
Các cổ đông cũng nhất trí rằng để thực hiện cải cách cần nguồn tài chính bổ sung tối đa 50 tỷ USD trong 10 năm tới trong khi vẫn bảo đảm duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng và tài chính bền vững trong dài hạn.
Bà Yellen cho rằng, cần thực hiện nhiều nỗ lực để đạt tiến bộ hơn nữa trong quá trình này. Các ngân hàng toàn cầu có thể tận dụng cơ hội từ các hội nghị sắp tới như Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong tháng 9 tới để tiếp đà mạnh mẽ cho những nỗ lực này.
Trước đó, ngày 3/4, Mỹ đã hoan nghênh kế hoạch của Ngân hàng Thế giới (WB) trong vòng 10 năm tới sẽ tăng khoản cho vay hằng năm thêm 5 tỷ USD để giúp giải quyết những thách thức toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu.
Giới chức Nhà Trắng đồng thời cho biết tiếp tục thúc đẩy thể chế tài chính đa phương này thực hiện những thay đổi tham vọng hơn.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ, nước đóng góp lớn nhất cho WB, đã gây sức ép để WB có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm tăng nguồn tài trợ cho các quốc gia đang phát triển giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu hay đại dịch nếu có trong tương lai và các thách thức toàn cầu khác.
Trong giai đoạn 2020-2022, WB đã cung cấp 100 tỷ USD cho hàng hóa công cộng toàn cầu, nhưng các quốc gia đang phát triển và khu vực tư nhân ước tính có thể phải chi nhiều hơn - lên tới 2.400 tỷ USD/năm, để giải quyết những nhu cầu đó.
Giới chức Mỹ hiện đang phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng phát triển đa phương khác để thúc đẩy cải cách, trong đó có Ngân hàng Phát triển liên Mỹ.
LÊ ÁNH