.

IMF và WB không lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu

Cập nhật: 18:08, 11/04/2023 (GMT+7)

Hội nghị mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra trong tuần này với chương trình nghị sự là kế hoạch cải cách và gây quỹ đầy tham vọng có thể bị phủ bóng bởi tình trạng lạm phát tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/4, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, dù chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phục hồi đáng kể và tình hình được cải thiện sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tăng trưởng toàn cầu dự báo sẽ vẫn dưới mức 3% trong năm nay.

IMF cho rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ở mức gần 3% trong 5 năm tới, mức dự báo trong trung hạn thấp nhất kể từ những năm 1990.

Bà Georgieva hồi tuần trước cho biết, gần 90% các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, trong khi các thị trường mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc được cho là chiếm 50% tổng mức tăng trưởng.

Các quốc gia thu nhập thấp dự kiến sẽ phải hứng chịu cú sốc kép do chi phí đi vay cao hơn và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của các nước này giảm, điều mà bà Georgieva cho rằng có thể gây ra tình trạng nghèo đói.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày 10/4, Chủ tịch WB David Malpass cho rằng, WB - vốn đánh giá bức tranh kinh tế ảm đảm hơn so với IMF, đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ mức 1,7% đưa ra trong tháng 1 lên 2% với lý do là nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.

Hội nghị mùa Xuân năm nay của Nhóm WB-IMF diễn ra trong bối cảnh lạm phát tăng cao và mối quan ngại gia tăng về "sức khỏe" của ngành ngân hàng sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Mỹ.

Hồi tuần trước, bà Georgieva cho rằng, các ngân hàng trung ương nên tiếp tục ngăn chặn lạm phát thông qua việc tăng lãi suất bất chấp những lo ngại rằng điều này có thể gây thêm căng thẳng cho lĩnh vực ngân hàng.

Trước thềm hội nghị này, IMF và WB cũng đã kêu gọi các quốc gia giàu có hơn giúp lấp "lỗ hổng" 1,6 tỷ USD trong quỹ cho vay ưu đãi đối với các nước thu nhập thấp vốn được sử dụng nhiều trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Nhiều nước thu nhập thấp hiện đang đối mặt với gánh nặng nợ nần chồng chất, trong đó một phần nguyên nhân là do lãi suất cao hơn, vấn đề được cho là cũng dẫn đến tình trạng các dòng vốn chảy ra khỏi nhiều quốc gia cần đầu tư nhất.

Nhân hội nghị này, các nhà lãnh đạo WB và IMF sẽ nỗ lực để đạt được tiến bộ trong các nỗ lực tái cơ cấu nợ đang bị đình trệ.

Theo ông Malpass, mục tiêu là nhằm chia sẻ thông tin sớm hơn trong quá trình tái cơ cấu nợ và hướng tới việc chia sẻ gánh nặng nợ.

Theo bà Georgieva, hiện có 44 quốc gia quan tâm đến việc vay tiền từ Quỹ tín thác khả năng phục hồi và bền vững (RST) trị giá 40 tỷ USD của IMF, sau khi 5 quốc gia đầu tiên, gồm Rwanda, Barbados, Costa Rica, Bangladesh và Jamaica, đã đạt được thỏa thuận vay. Đây là một công cụ cung cấp tài chính quan trọng nhằm giúp các nước ứng phó với biến đổi khí hậu, các đại dịch cùng những thách thức dài hạn khác.

Dự kiến, trong khuôn khổ hội nghị diễn ra từ ngày 10-16/4 tại thủ đô Washington (Mỹ), cũng sẽ diễn ra cuộc họp về giải quyết các nhu cầu phục hồi và tái thiết của Ukraine. WB ước tính Ukraine cần hỗ trợ thêm 11 tỷ USD trong năm nay.

KHÁNH LY

 

.
.
.