Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 7/4 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dưới mức 3%, giảm so với 3,4% trong năm 2022, làm gia tăng nguy cơ đói nghèo trên thế giới.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. |
Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva cho biết, tăng trưởng dự báo vẫn quanh mức 3% trong 5 năm tới. Bà đánh giá đây là “mức dự báo tăng trưởng trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990, và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% cách đây 2 thập kỷ”.
Theo bà Georgieva, tăng trưởng thấp hơn sẽ là một “đòn giáng mạnh” khiến các quốc gia có thu nhập thấp càng khó để vực dậy và nghèo đói sẽ gia tăng hơn nữa, “xu hướng đã bắt đầu từ cuộc khủng hoảng dịch COVID-19”.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của khu vực Đông Âu và Trung Á lên 1,4% từ mức 0,1% trong dự báo trước đó, viện dẫn triển vọng của cả nền kinh tế Nga và Ukraine đã được cải thiện bất chấp xung đột.
Theo dự báo, kinh tế Ukraine sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm nay, sau khi suy giảm 29,2% trong năm 2022 do xung đột.
Tuyên bố của WB nêu rõ: “Việc mở lại các cửa khẩu của Ukraine tại Biển Đen và nối lại buôn bán ngũ cốc, cũng như sự hỗ trợ lớn của các nhà tài trợ, đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong năm nay”.
Nền kinh tế Nga đã suy giảm 2,1% trong năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức suy giảm 3,5% mà WB dự báo hồi tháng 1/2023.
Điều này đã cải thiện nền tảng kinh tế của Nga trong năm 2023 dù WB dự báo tăng trưởng trong năm nay đạt 3,1% - thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.
Các dự báo trên được đưa ra trước thềm hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và WB vào tuần tới tại Washington (Mỹ), nơi các nhà hoạch định chính sách sẽ thảo luận về các vấn đề nóng nhất của kinh tế thế giới.
Hội nghị sẽ diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khắp thế giới đang tiếp tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát trong khi một cuộc khủng hoảng nợ công tại các nền kinh tế mới nổi đang ngăn cản các nước này đạt tăng trưởng.
Tổng Giám đốc IMF cảnh báo mức lãi suất liên tục cao, một loạt ngân hàng sụp đổ tại Mỹ và châu Âu, cũng như những chia rẽ địa chính trị sâu sắc đang đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu.
THANH HẰNG