Thuộc quyền quản lý của nước Anh, sân bay Gibraltar đi vào hoạt động từ Thế chiến II với một đường băng dài 1.500m, nằm ở lãnh thổ hải ngoại Gibraltar, cực nam bán đảo Iberia giáp với Tây Ban Nha. Đến năm 2003, nó chuyển thành sân bay dân sự nhưng điều kỳ lạ là đường băng sân bay lại cắt ngang quốc lộ, dẫn đến hàng loạt phương tiện giao thông phải dừng lại mỗi khi có máy bay cất cánh hoặc hạ cánh…
Tất cả các phương tiện lưu thông đường bộ đều phải dừng lại chờ máy bay cất và hạ cánh. |
Số phận thăng trầm
Khởi công xây dựng năm 1939 với tên gọi Royal Air Force Gibraltar, sân bay Gibralta là căn cứ không quân quan trọng của nước Anh trong việc kiểm soát eo biển cùng tên nối Đại Tây dương và Địa Trung Hải. Năm 1945, khi Thế chiến II kết thúc, sân bay Gibralta vẫn là sân bay quân sự cho đến 2003, nó mới chuyển sang dân sự và được đặt tên là Sân bay quốc tế Gibralta.
Để có đủ chiều dài cho máy bay thương mại lên xuống, đường băng sân bay được mở rộng và kéo dài thành 3.060m. Thế nhưng từ năm 1939, khi đường băng mới chỉ là 1.500m thì đã có một xa lộ dẫn đến biên giới Tây Ban Nha. Và bởi vì xa lộ này nằm ở cuối đường băng, cách đường băng gần 1.000m nên nó chẳng ảnh hưởng gì đến hoạt động cất hạ cánh.
Tuy nhiên khi tiến hành mở rộng đường băng thì xa lộ - lúc này được đã đặt tên là Winston Churchill lại trở thành vấn đề nan giải vì khi kéo dài ra 3.060m, đường băng sẽ cắt ngang xa lộ Churchill. Kỹ sư Lombard, phụ trách chính trong việc mở rộng đường băng cho biết: “Xa lộ Churchill nằm sát biển nên không còn đất để nắn nó lùi ra xa. Đã có phương án lấy đá lấp biển làm đường nhưng sau khi tính toán, chúng tôi thấy không khả thi bởi lẽ khối lượng đá cần sử dụng rất lớn.
Để nắn lại con đường, chúng tôi phải lấn 500m chiều ngang mặt biển và 1.200m chiều dài dọc theo bờ biển, độ sâu trung bình từ 0,5m đến 27m nhưng vấn đề là đến mùa đông, bờ biển phải hứng chịu những cơn sóng lớn nên chẳng có gì bảo đảm rằng con đường mới nắn sẽ chịu đựng được…”.
Vì thế, giải pháp sau cùng là đành chấp nhận thực tế để xa lộ Churchill cắt ngang đường băng sân bay. Sau gần 3 năm thi công, ngày 17/11/2006 chuyến bay đầu tiên bằng máy bay Airbus A319 của Hãng hàng không Iberia cất cánh từ sân bay Madrid, Tây Ban Nha hạ cánh xuống sân bay Gibraltar. 20 phút trước khi chiếc Airbus A319 đáp xuống, tất cả mọi loại xe cộ đang lưu thông trên xa lộ Churchill đều được thông báo là phải dừng lại ở cả hai chiều - phía Bắc và phía Nam xa lộ.
Ở hai chiều ấy, chính quyền Gribalta đã cho lắt đặt rào chắn và trụ đèn tín hiệu điều khiển giao thông. Nó đã gây ra sự tò mò lẫn phấn khích nên đã thu hút rất đông người dân Gibralta và du khách tụ tập để xem chiếc máy bay hạ cánh rồi đi vào nhà ga ngay trước mắt mình!
Tháng 5/2007, lại có thêm một hãng hàng không khác cùng khai thác sân bay Gibralta là British Airways (Hàng không Anh quốc) nhưng chỉ sau 4 tháng, ngày 30/9 British Airway tuyên bố ngừng các chuyến bay đến Gribalta vì không có khách.
Một năm sau, ngày 22/9/2008 đến lượt Iberia cũng ngừng bay cũng với lý do thu không đủ chi! Cái cảnh phải dừng xe ở hai đầu xa lộ Churchill chờ máy bay cất, hạ cánh cũng chấm dứt, để lại tiếc nuối cho rất nhiều người.
Từ đó, sân bay Gribalta trở nên im lìm vắng vẻ. Mãi đến tháng 4/2009, Hãng hàng không Andalus Lineas Aereas, Tây Ban Nha khôi phục lại đường bay Barcelona, Gribalta nhưng cũng chỉ đến tháng 9 cùng năm, đường bay này đóng cửa vì… không có nhu cầu!
Ngày 18/5/2011, Hãng Bmibaby thông báo họ sẽ triển khai các chuyến bay từ Gibraltar đến East Midlands vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy, sử dụng máy bay Boeing 737-300 và đây cũng là lần đầu tiên một hãng hàng không khai thác tuyến đường đó.
Thế nhưng số phận xui xẻo một lần nữa lại đến với sân bay Gibralta khi ngày 3/5/2012, Bmibaby bị đóng cửa bởi Tập đoàn Hàng không Quốc tế vì không tìm được người mua hãng hàng không này.
Đến tháng 8/2012, Hãng Monarch mở đường bay từ Girbalta đến Birmingham, Anh quốc với 3 chuyến mỗi tuần rồi mùa hè 2014, lại có thêm Hãng Royal Air Maroc Express tham gia, tiếp theo là Hãng Easy Jet bay chuyến đầu tiên hồi tháng 11/2015.
Sân bay nguy hiểm nhất thế giới
Từ đó đến nay, có 4 hãng hàng không hoạt động tại sân bay Gibralta với 30 chuyến mỗi tuần. Đã có nhiều ý kiến về việc xử lý xa lộ Churchill cắt ngang đường băng, chẳng hạn như đào một đường hầm hoặc xây dựng một đường đôi đi qua bên dưới nhà ga, hướng tới rìa phía đông của đường băng.
Tại đó, nó tiếp tục chui xuống hầm sang phía đối diện đường băng rồi chia thành hai nhánh. Một nhánh đi thẳng lên biên giới Tây Ban Nha còn nhánh kia vòng lại, dẫn vào nhà ga nhưng qua tính toán, tất cả đều rất khó thực hiện bởi lẽ với tần suất mỗi tuần 30 chuyến, vận chuyển tổng cộng khoảng 7.500 hành khách thì chẳng biết bao giờ mới thu hồi vốn.
Với người dân Gibralta và những người khác đến từ Tây Ban Nha cũng như du khách quốc tế, sự tò mò, háo hức ban đầu khi thấy máy bay chạy qua xa lộ Churchill để cất, hạ cánh đã biến thành nỗi bực dọc vì thông thường, 20 phút trước khi máy bay lên, xuống, cả hai đầu xa lộ Churchill đều bị đóng.
Mọi xe cộ phải dừng lại nên với những người có việc gấp, sự chờ đợi đã khiến họ ngao ngán. Ông Joaquin Carlos, tài xế taxi nói: “Hàng ngày tôi chở khách đi qua xa lộ này cả chục lần. Mùa hè còn đỡ chứ đến mùa đông, trời đầy sương mù, máy bay phải lượn vòng nhiều lần mới hạ cánh được nên thời gian đóng cửa xa lộ lắm khi kéo dài 2 tiếng”.
Bà Magarita, cư trú ở phía Bắc xa lộ Chrchill than trời: “Hôm ấy tôi đi mua chai thuốc phun cho đứa con gái bị suyễn. Khi xe gần đến đường giao cắt thì đèn đỏ sáng lên, rào chắn hạ xuống. Tôi phải đợi 40 phút mới qua được còn lúc về, lại phải đợi thêm 30 phút. May mà tôi về kịp chứ nếu không, con gái tôi có thể sẽ chết vì ngạt thở”.
Về phía các phi công, mặc dù tất cả đều biết rằng khi máy bay của họ bắt đầu tiếp cận không phận sân bay Gibralta để chuẩn bị đáp xuống hoặc khi máy bay mới chỉ chạy ra đường lăn để vào đường băng cất cánh thì ở hai đầu xa lộ Churchil, các biện pháp nhằm ngăn chặn bất kỳ một va chạm nào có thể xảy ra đã được nhân viên an ninh không lưu ban hành nhưng tâm lý của một số phi công ít nhiều cũng ảnh hưởng.
James Orsborn, phi công của Hãng British Airways nói: “Những hôm trời trong, khi hạ độ cao để đáp xuống, dưới mắt tôi là các loại xe cộ đậu nối đuôi nhau, lắm khi kéo dài đến 3 hoặc 4km. Lúc ấy chỉ cần một chiếc xe nào đó liều lĩnh vượt đèn đỏ và với tốc độ tiếp đất của máy bay là 200km/giờ thì nếu tai nạn xảy ra, hậu quả sẽ rất khủng khiếp”.
Phi công Kenwood cũng của Hãng British Airways nói thêm: “Tôi đã nhiều lần hạ cánh lúc trời dầy đặc mây mù. Chỉ đến khi bánh xe sắp chạm vào nền bê tông đường băng, tôi mới nhìn rõ hàng chục chiếc xe đang chờ máy bay của tôi đi qua xa lộ. Thật là điện rồ vì chưa hề có một sân bay nào trên thế giới lại có một con đường quái dị như thế”.
Và mặc dù đến nay vẫn chưa xảy ra bất kỳ một sự cố nào giữa máy bay và các phương tiện di chuyển trên xa lộ Churchill nhưng theo Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) thì Gibralta là “một trong số ít những sân bay nguy hiểm nhất”.
Ông Rodiguez, cảnh sát gác ở nút giao phía Bắc giữa xa lộ Churchill và đường băng sân bay Gibralta nói: “Bình thường, mỗi ngày 4 lần tôi phải có mặt ở nơi này còn ngày cao điểm là 6 lần. Tôi hiểu sự khó chịu của nhiều người khi phải dừng lại để chờ đợi nhưng biết làm sao được bởi lẽ xa lộ Chrchill và đường băng sân bay đã là một “đặc sản” của Gibralta…”
VŨ CAO (Theo Traveller)