EU kích hoạt kế hoạch cải cách luật quản lý dược phẩm

Thứ Năm, 27/04/2023, 18:37 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 26/4, Liên minh châu Âu (EU) công bố dự thảo đề xuất cải cách luật quản lý ngành dược phẩm của khối kể cả khi các nhà sản xuất từng cảnh báo sẽ chuyển dịch đầu tư ra khỏi châu Âu.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách Y tế Stella Kyriakides, EU triển khai kế hoạch cải cách luật dược phẩm lớn nhất trong 2 thập kỷ, nhằm bảo đảm mọi người dân trong khối này có thể tiếp cận cả những phương thức điều trị đột phá mới và cả các loại thuốc gốc (generic drug), đồng thời chấm dứt tình trạng chênh lệch quá lớn về khả năng tiếp cận và giá thuốc giữa các quốc gia thành viên.

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất giảm thời gian độc quyền thị trường cơ bản mà nhà sản xuất dược có được trước khi thuốc gốc được đưa vào lưu hành rộng rãi, từ 10 năm xuống còn 8 năm.

Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất có thể đưa thuốc mới tới toàn bộ 27 nước thành viên EU trong vòng 2 năm thì họ có thêm 2 năm độc quyền.

Theo Ủy viên Kyriakides, hệ thống sáng kiến mới sẽ giúp thêm 70 triệu người dân EU được tiếp cận các loại thuốc mới so với mức hiện nay.

Sau khi đề xuất được công bố, Nghị viện châu Âu (EP), EC và các nước thành viên EU sẽ đưa ra  những đóng góp cho nội dung chi tiết văn bản luật cuối cùng. Quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.

EC hy vọng các biện pháp cải cách sẽ tạo ra một thị trường dược phẩm chung cho toàn EU, đồng thời bảo đảm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm.

Tuy nhiên, nhiều công ty dược phẩm lớn, trong đó có Bayer và Novo Nordisk hay cả những công ty công nghệ sinh học nhỏ, đã cảnh báo từ nhiều tháng nay rằng, các biện pháp cải cách sẽ gây hiệu ứng ngược và kết quả là chính EU sẽ mất đi cơ hội tiếp cận sớm những phương thức điều trị mới nhất.

Bên cạnh đó, các biện pháp cải cách cũng nhằm ngăn chặn nguy cơ thiếu thuốc, như tình trạng thiếu thuốc kháng sinh từng xảy ra trong mùa Đông vừa qua, bằng cách yêu cầu các công ty thông báo sớm tới EU về những vấn đề cung ứng có thể phát sinh. Cơ quan quản lý thuốc EU cũng sẽ được tổ chức lại để tăng tốc thời gian cấp phép các loại thuốc mới.

LÊ ÁNH

;
.