Chính phủ Đức bảo vệ quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân
Bộ Môi trường Đức ngày 16/4 đã bác bỏ yêu cầu của bang Bavaria về việc cho phép tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân, nêu rõ các cơ sở này thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang.
Đức đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này vào ngày 15/4, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập niên qua để thúc đẩy kế hoạch chuyển sang sản xuất điện tái tạo hoàn toàn vào năm 2035. Các nhà máy nói trên gồm Isar II, Emsland và Neckarwestheim II, trong đó nhà máy Isar II nằm ở bang Bavaria và có thể đáp ứng nhu cầu điện cho một đô thị.
Theo báo Bild am Sonntag, chính quyền bang Bavaria muốn chính phủ liên bang thay đổi luật về loại bỏ điện hạt nhân để cho phép bang này tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân theo thẩm quyền của bang. Giới chức bang Bavaria cho rằng cho đến khi cuộc khủng hoảng năng lượng kết thúc và quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo diễn ra thành công, Đức vẫn cần phải sử dụng mọi nguồn năng lượng đến cuối thập niên này.
Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke cho biết giấy phép hoạt động của nhà máy Isar II đã hết hạn và việc tái khởi động lò phản ứng của nhà máy này cần có giấy phép mới. Tuy nhiên, bà Lemke nhấn mạnh “Điều quan trọng là phải chấp nhận thực tế phát triển khoa học, công nghệ, và phải tôn trọng quyết định của Quốc hội Đức”.
Việc đóng cửa các nhà máy trên diễn ra chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch, do cuộc khủng hoảng giá năng lượng xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine. Thay vì phải đóng cửa vào ngày 31/12/2022, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ các nhà máy này thêm 3 tháng, đến ngày 15/4. Ba nhà máy này đã đáp ứng 5% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức trong 3 tháng qua.
Kể từ năm 2003 đến nay, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân, theo đó giảm mạnh tỷ trọng năng lượng hạt nhân cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Trong năm ngoái, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% tổng sản lượng toàn quốc, trong khi năng lượng tái tạo chiếm tới 44%, tăng gần 1,8 lần so với mức 25% cách đây một thập niên. Đức hiện đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch tiến tới sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2035.
TRẦN QUYÊN