50 năm điện thoại di động
9 giờ sáng ngày 3/4/1973, kỹ sư Martin Cooper đứng trên vỉa hè đại lộ số Sáu ở Manhattan, New York, Mỹ với một thiết bị màu trắng hình dạng như viên gạch. Ông áp “viên gạch” này vào tai rồi sau khi bấm phím, ông nói: “Joel, đây là Martin. Tôi đang gọi cho bạn bằng điện thoại cá nhân cầm tay, là chiếc điện thoại di động thật sự”.
Lính Mỹ với bộ đàm SCR-356 hồi Thế chiến II. |
Bước tiến mới của nhân loại
Ngược dòng thời gian, điện thoại di động (ĐTDĐ) xuất hiện từ năm 1940 trong Thế chiến II. Khi ấy, quân đội Mỹ hợp đồng với Hãng Motorola để phát triển và đưa vào sử dụng máy bộ đàm không dây SCR-356 nhằm giữ bí mật trong việc liên lạc giữa các đơn vị nhưng thời điểm này, nó chỉ gọi, nghe một chiều, nghĩa là người gọi bấm và giữ phím tổ hợp rồi nói những điều cần nói.
Khi nói xong, người gọi phải tuân theo quy ước bằng cách nói thêm: “Over-nghĩa là đã hết”. Lúc người nghe trả lời, họ cũng phải bấm phím tổ hợp rồi cũng kết thúc bằng “over” để người ở bên kia biết.
Năm 1963, nhằm khắc phục tình trạng gọi, nghe một chiều, kỹ sư Martin Cooper làm việc tại Motorola dựa trên mẫu bộ đàm SCR-356 rồi phát triển thành công loại điện thoại mà cả người nói lẫn người nghe đều có thể trò chuyện cùng một lúc.
Ông Cooper nhớ lại: “Khi ấy, Hãng AT&T cũng đang tìm cách chế tạo điện thoại với tính năng này. Họ là đối thủ hàng đầu của chúng tôi và nếu họ tung ra trước, thị phần ĐTDĐ trên toàn nước Mỹ và thế giới sẽ thuộc về họ”. Thế nhưng phải mất 10 năm với 100 triệu USD tiền đầu tư của Motorola thì chiếc ĐTDĐ đầu tiên của nhân loại mới ra đời.
Vẫn theo ông Cooper, 9 giờ sáng ngày 3/4/1973, ông cầm chiếc ĐTDĐ đến đại lộ số 6, cách trụ sở Hãng AT&T chỉ vài chục mét rồi bấm phím gọi vào điện thoại để bàn, đặt trong phòng làm việc của Joel Engel, đối thủ của ông trong lĩnh vực phát triển và chế tạo ĐTDĐ.
Khi nghe tiếng “Hey - Chào” của Joel, ông Cooper nói: “Joel, đây là Martin. Tôi đang gọi cho bạn bằng điện thoại cá nhân cầm tay, là chiếc điện thoại di động thật sự. Nếu không tin, bạn hãy bước ra cửa sổ và nhìn xuống đường”.
Về mặt kỹ thuật, công nghệ lõi của ĐTDĐ lúc ấy sử dụng bóng bán dẫn (transistors). Nó có chức năng khuếch đại tín hiệu thu được rồi truyền ra loa nhưng nhược điểm của nó là tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Khi chiếc ĐTDĐ đầu tiên của Hãng Mororola xuất hiện hồi tháng 4/1973, nó được đặt tên là Dyna TAC 8000x. Nó nặng 1,13kg, dài 25cm với ăng-ten thò hẳn ra ngoài nhưng riêng cục pin công suất 24 volt đã nặng đến 900gam và chỉ nói chuyện được 30 phút. Để sạc đầy pin phải mất 10 tiếng đồng hồ.
Nhưng đó mới chỉ là một trong những nhược điểm của ĐTDĐ vì để có thể liên lạc thông suốt, Dyna TAC 8000x còn phải cần đến các trạm truyền dẫn (BTS). Do vẫn phải sử dụng transistors nên trạm này cách trạm kia không quá 500m tính theo đường thẳng. Đến cuối năm 1976, toàn thành phố New York có 7.452 trạm BTS kiểu này, phủ sóng trong phạm vi bán kính 30km!
Ông Williamson, kỹ sư phụ trách hệ thống truyền dẫn của Hãng Motorola nói: “Tất cả các trạm BTS cũng đều sử dụng transistors để thu và khuếch đại sóng. Khi hoạt động, transistors rất nhanh nóng và càng nóng, công suất của nó càng giảm nên tại những trạm này, chúng tôi phải lắp thêm máy lạnh!”.
Sau cuộc gọi đầu tiên bằng ĐTDĐ của Cooper với Joel, vấn đề đưa Dyna TAC 8000x ra thị trường vướng phải những quy định của Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ về việc phân chia dải tần số nhằm bảo đảm tính cạnh tranh bởi lẽ lúc ấy, đối thủ của Motorola là Hãng AT&T cũng đang chuẩn bị cho ra đời mẫu ĐTDĐ của riêng họ.
Sự việc kéo dài mãi đến 1976 thì những chiếc Dyna TAC 8000x mới đến tay người tiêu dùng với giá 3.900USD (tương đương 26.600USD hiện nay). Ông John Dwayne ở New York, người sở hữu một chiếc Dyna TAC 8000x thời điểm ấy nhớ lại: “Ngoài tiền mua điện thoại, tôi còn phải trả tiền thuê bao mỗi tháng là 30USD (210 USD hiện nay). Chưa hết, khi tôi gọi cho gia đình hay bạn bè, cứ mỗi phút đàm thoại tôi phải trả 1,3 USD còn nếu người khác gọi đến cho tôi, tôi cũng phải trả 1 USD/phút”.
Cũng trong thời gian này, nhìn thấy thị trường đầy hứa hẹn của ĐTDĐ, Hãng Intel, Mỹ, tập trung nghiên cứu để cho ra đời một con chip, có thể tích hợp 2.300 transistors và họ đã thành công với sản phẩm được đặt tên là Intel 4004, giá thành chỉ 60USD.
Nó đã tạo ra một cuộc cách mạng thần kỳ trong ngành sản xuất ĐTDĐ với kích thước ngày càng nhỏ gọn. Bên cạnh đó, pin dùng cho ĐTDĐ cũng được cải tiến, từ loại pin Ni-CD ban đầu đến loại Ni-MH, thời gian nói chuyện liên tục chỉ 30 phút đến 45 phút, cho tới pin Li-Polyme và hiện nay là Li-Ion, có thể nói chuyện liên tục 3 tiếng.
Và không chỉ nghe, gọi, năm 1992, kỹ sư người Anh là Neil Papworth lần đầu tiên thiết kế thành công chức năng gửi tin nhắn bằng ĐTDĐ. Gần đến ngày lễ Giáng sinh năm ấy, Neil Papworth gửi vào ĐTDĐ của bạn mình là Richard Jarvis một dòng chữ với nội dung “Merry Christmas”. Chỉ 3 tháng sau đó, tất cả các hãng sản xuất ĐTDĐ trên thế giới như Motorola, Ericson, Nokia, Samsung, Phillips, Sony… đều tích hợp tính năng này vào sản phẩm của mình.
Ngày 11/6/1997, kỹ sư Phillippe Kahn làm việc cho hãng chế tạo ĐTDĐ Pháp Alcatel lần đầu tiên đưa ra chiếc điện thoại có thể chụp ảnh và bức ảnh đầu tiên do ông chụp là đứa con gái Sophie mới sinh của mình. Dựa trên nền tảng phát minh của Phillippe Kahn, các hãng điện thoại lần lượt cho ra đời những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) với các chức năng quay phim, chụp ảnh, ghi âm, phiên dịch đa ngôn ngữ, chỉ đường, tính toán, truy cập Internet…
Cuộc gọi đầu tiên trên thế giới bằng ĐTDĐ Dyna TAC 8000x. |
Và mặt trái
Bên cạnh những lợi ích do ĐTDĐ mang lại thì mặt trái mà nó gây ra là “hội chứng nghiện điện thoại di động, hội chứng sợ bị bỏ rơi” (thuật ngữ Y học gọi là Monophobia).
Với những người mắc phải hội chứng này, mỗi khi đi đâu đó mà quên mang theo ĐTDĐ nhưng không thể trở về để lấy, họ thường tỏ ra lo âu, căng thẳng không tập trung, thậm chí bồn chồn, cáu gắt. Nếu có mang theo ĐTDĐ thì cứ vài phút một lần, họ lại xem điện thoại vì sợ rằng mình đã bỏ sót cuộc gọi hay tin nhắn nào đó mặc dù nếu có cuộc gọi hay tín nhắn, chắc chắn họ sẽ biết qua âm báo.
Tiến sĩ Williamson, Trưởng bộ môn tâm thần Đại học Y khoa John Hopkins, Mỹ nói: “Người mắc chứng Monophobia thường gặp những rối loạn về giấc ngủ nếu họ có thói quen xem ĐTDĐ trước lúc đi ngủ do sự thay đổi tâm trạng bắt nguồn từ những gì mà họ đã xem. Với những thông tin không vui hoặc gây ra sự bực tức, ức chế, não của họ sẽ giải phóng chất hóa học Dopamin gây ra mất ngủ, chưa kể thị lực của họ cũng có vấn đề vì bức xạ huỳnh quang phát ra từ màn hình sẽ ảnh hưởng đến mắt họ. Càng xem trong bóng tối thì càng bị ảnh hưởng”.
Vẫn theo Tiến sĩ Williamson, ĐTDĐ còn gây ra “hội chứng cô lập”. Ông nói: “Tôi tin chắc rằng bạn đã từng thấy một nhóm bạn chơi thân với nhau nhưng khi vào quán cà phê hay trên xe bus, trong phòng chờ ở sân bay…, mỗi người một chiếc điện thoại, chẳng ai nói với ai lời nào vì ai cũng chìm trong thế giới riêng của họ. Ngay cả nhiều cặp tình nhân hoặc vợ chồng cũng thế, chẳng có gì làm họ quan tâm bằng những thứ đang diễn ra trên màn hình…”.
VŨ CAO
(Theo Smartphone History)
Theo số liệu của Tạp chí Kinh tế thế giới, tính đến cuối năm 2022, có 4,8 tỉ người sở hữu ĐTDĐ trên toàn cầu. |