Các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ kêu gọi điều tra Google

Thứ Sáu, 07/04/2023, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Liên minh các tổ chức kỹ thuật số Ấn Độ (ADIF) đại diện cho các công ty khởi nghiệp hàng đầu ở Ấn Độ, đã kêu gọi cơ quan giám sát cạnh tranh của nước này mở cuộc điều tra về Google của tập đoàn Alphabet với cáo buộc “phớt lờ” chỉ thị chống độc quyền bằng cách tính phí dịch vụ cao cho các khoản thanh toán trong ứng dụng.

Việc ADIF nộp đơn khiếu nại đánh dấu vụ tranh chấp mới nhất giữa Google và các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, vốn đã nhiều lần “phàn nàn” công ty này của Mỹ áp đặt các hạn chế kinh doanh không công bằng ảnh hưởng bất lợi tới những người chơi nhỏ hơn.

Đơn khiếu nại bí mật dài 15 trang của ADIF cho rằng, “việc Google thay đổi chính sách về tính phí dịch vụ ngay cả đối với các giao dịch được xử lý bởi bộ xử lý thanh toán bên thứ ba… đã ảnh hưởng xấu đến người dùng và nhà phát triển ứng dụng”.

Google đã từ chối bình luận về động thái trên. Tuy nhiên, trước đây Google cho biết, phí dịch vụ được dùng để hỗ trợ đầu tư vào cửa hàng ứng dụng Google Play và hệ điều hành di động Android, theo đó đảm bảo phân phối miễn phí và bao gồm các công cụ dành cho nhà phát triển và dịch vụ phân tích.

Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) vào tháng 10/2022 đã phạt Google 113 triệu USD và yêu cầu họ phải cho phép sử dụng thanh toán của bên thứ ba và ngừng buộc các nhà phát triển sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng tính phí hoa hồng 15%-30%.

Google sau đó đã quyết định bắt đầu cung cấp thanh toán do người dùng tùy chọn (UCB) để cho phép thanh toán thay thế cùng với Google khi mua nội dung kỹ thuật số trong ứng dụng, nhưng ADIF cho biết trong đơn khiếu nại của mình rằng hệ thống mới này áp dụng “phí dịch vụ”.

ADIF nêu rõ: “Các nhà phát triển ứng dụng sẽ phải trả 1-3% cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thay thế và 11%/26% cho Google, điều này khiến toàn bộ hệ sinh thái trở nên không bền vững”.

ADIF cáo buộc rằng, Google đang sử dụng hệ thống phí dịch vụ mới để bỏ qua chỉ thị chống độc quyền yêu cầu họ không áp đặt bất kỳ điều kiện “không công bằng và không tương xứng” nào.

NGỌC THÚY

;
.