WTO nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực

Thứ Năm, 30/03/2023, 19:52 [GMT+7]
In bài này
.

Tại cuộc họp của Ủy ban Nông nghiệp, các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cam kết tăng cường nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng, đặc biệt là thách thức đối với các nước kém phát triển nhất (LDC) và các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng (NFIDC).

Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya.
Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya.

Các thành viên tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ của nhau để bảo đảm phù hợp với các quy định của WTO và thảo luận về việc thực hiện các kết quả cấp bộ trưởng được thông qua tại các hội nghị cấp bộ trưởng ở Bali và Nairobi và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) tại Geneva vào tháng 6/2022.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo thế giới tiếp tục đối mặt với “cuộc khủng hoảng đói và dinh dưỡng lớn nhất trong lịch sử hiện đại” do xung đột, biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế gây ra.

Theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và WFP, 11,7% dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2021, trong đó các nước LDC và NFIDC chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Vào năm 2022, các quốc gia này phải đối mặt với tình hình tồi tệ với hóa đơn nhập khẩu lương thực kỷ lục, tăng 10% (4,9 tỷ USD) đối với các nước LDC và 17% (21,7 tỷ USD) đối với các NFIDC.

Hơn nữa, mức giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu vẫn ở mức cao bất chấp những tác động tích cực của Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian, giúp hạ giá sau mức đỉnh vào tháng 3/2022.

WFP hoan nghênh việc gia hạn thỏa thuận vào tháng 3/2023 và nêu bật mua thành công thực phẩm từ Ukraine cho các hoạt động ở một số quốc gia có nhu cầu. WFP cũng cho biết công việc của họ đã được hưởng lợi từ quyết định MC12 miễn trừ việc mua thực phẩm nhân đạo của WFP khỏi bất kỳ hạn chế xuất khẩu nào.

Cả hai tổ chức đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và các chủ thể địa phương, trong thời kỳ khủng hoảng.

Các thành viên hoan nghênh hành động khẩn cấp của FAO và WFP trong cuộc chiến toàn cầu chống lại nạn đói, chẳng hạn như viện trợ lương thực nhân đạo và các hình thức hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật khác nhau.

Bày tỏ lo ngại về triển vọng an ninh lương thực toàn cầu, một số thành viên kêu gọi gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch. Một số thành viên đã chia sẻ các hoạt động của họ để hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực.

Các thành viên đã thảo luận 15 vấn đề mới liên quan đến chính sách trang trại của nhau bao gồm tiếp cận thị trường, hỗ trợ trong nước và cạnh tranh xuất khẩu.

Những vấn đề này bao gồm chương trình ngũ cốc mới của Trung Quốc, các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mexico, Maroc, Tajikistan và Thổ Nhĩ Kỳ, chương trình chuyển đổi cơ cấu đối với gạo của Nhật Bản và Đạo luật Giảm lạm phát của Hoa Kỳ.

Các thành viên hoan nghênh 2 đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc nhằm hợp lý hóa các thông báo và tăng cường tính minh bạch.

Nhiều thành viên ghi nhận sự tương đồng giữa các đề xuất và bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận từng bước để đạt được các mục tiêu này. EU và Trung Quốc đã đồng ý với đề xuất tham gia đối thoại với các thành viên khác trong những ngày tới để đạt được tiến bộ hơn nữa.

Lần đầu tiên, một số thành viên LDC, cụ thể là Guinea, Haiti, Mauritanie, Niger, Sierra Leone và Uganda tuyên bố không sử dụng trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp. Các thành viên đã chấp thuận yêu cầu của Tonga để được thêm vào danh sách NFIDC.

TỐ UYÊN

;
.