Cuộc xung đột tại Ukraine, năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), an ninh năng lượng và vấn đề người di cư sẽ là những nội dung chính mà các lãnh đạo EU tập trung thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ diễn ra trong các ngày 23-24/3.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ). |
Đây đều là những vấn đề đã đặt ra các thách thức cho EU cả trong ngắn và dài hạn, khó có thể giải quyết chỉ trong một chương trình nghị sự và đòi hỏi tinh thần đoàn kết, nhượng bộ cũng như sự dung hòa giữa 27 nước thành viên để tìm được tiếng nói chung.
Ukraine hiện là mối quan tâm hàng đầu và sát sườn của EU. Theo kế hoạch, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham dự sự kiện này bằng hình thức trực tuyến.
Trước thềm hội nghị, giới chức Brussels cho biết EU sẽ tái khẳng định cam kết hỗ trợ Kiev, thảo luận biện pháp tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine.
Trọng tâm thảo luận sẽ xoay quanh đề xuất của Thủ tướng Estonia Kaja Kallas về việc đưa ra các đơn đặt hàng số lượng lớn để đẩy nhanh việc gửi khí tài quân sự tới Ukraine.
Chủ đề thứ hai được các nhà lãnh đạo EU quan tâm là các biện pháp tức thì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực và thúc đẩy thị trường chung gắn kết chặt chẽ hơn sau 30 năm hình thành.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, hiện là thời điểm phù hợp để các nước tận dụng triệt để thế mạnh, nhận biết và khắc phục điểm yếu trong năng lực cạnh tranh.
Những hậu quả về kinh tế do cuộc xung đột Ukraine gây ra buộc EU phải đánh giá lại năng lực cạnh tranh kinh tế của mình cả trong ngắn và dài hạn. Một ví dụ rõ nhất về thách thức mà EU đối mặt khi cuộc xung đột bùng phát đó là thâm hụt thương mại năng lượng.
Năm 2022, thâm hụt thương mại năng lượng là 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khối, trong khi mức thâm hụt năm 2021 là 1,7% GDP. Trong khi cùng giai đoạn, Mỹ thặng dư thương mại năng lượng tăng gấp 3, xuất khẩu năng lượng tăng 60% trong năm 2022.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra những đề xuất về cách thức giúp nền công nghiệp EU tiến bước trên lộ trình chuyển đổi xanh và số hóa, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều dấu hiệu các nước trợ cấp có mục tiêu cho ngành công nghiệp.
EU nhất trí những biện pháp trong ngắn hạn như nới lỏng cơ chế trợ cấp nhà nước đi đôi với việc linh hoạt hơn trong sử dụng các công cụ tài chính hiện có, đơn giản hóa các thủ tục và quy trình cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy đào tạo và bồi dưỡng nhân lực chuyên nghiệp cho các lĩnh vực trong tương lai.
Có 3 lĩnh vực mà EU đặt làm trọng tâm trong phát triển chiến lược dài hạn gồm đầu tư, sáng tạo và thương mại.
EC tin tưởng hành động chung mạnh mẽ ở cấp độ toàn khối, vốn đã thúc đẩy hoạt động và sản lượng kinh tế trong những năm qua, sẽ tiếp tục đóng vai trò nâng cao năng lực cạnh tranh và thịnh vượng cho EU trong dài hạn.
Tại hội nghị, các lãnh đạo sẽ xem xét đề xuất 9 điểm mà EC đưa ra, trong đó phải kể đến một số điểm đang rất được quan tâm như thúc đẩy thị trường chung mở rộng và đi vào chiều sâu, tăng cường hội nhập dịch vụ; hướng đến Liên minh thị trường vốn gắn kết sâu hơn, hoàn thiện Liên minh ngân hàng, phát triển các cơ chế quản lý dịch vụ thuế và tài chính toàn khối để hỗ trợ các doanh nghiệp; tập trung đa dạng hóa nguồn cung năng lượng bằng cách đẩy mạnh triển khai năng lượng tái tạo, số hóa hệ thống năng lượng và các cơ sở lưu trữ năng lượng; thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; ưu tiên hỗ trợ các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, web 4.0, thực tế ảo, an ninh mạng… và tiếp tục tự chủ chiến lược thương mại và rộng mở.
Về vấn đề năng lượng, ưu tiên đặt ra vẫn là đảm bảo an ninh nguồn cung có mức giá phù hợp. Các lãnh đạo EU sẽ xem xét việc giảm tiêu thụ năng lượng và giảm giá.
Vấn đề gây căng thẳng nhất vẫn là cách thức giảm dần tiến tới loại bỏ phụ thuộc năng lượng vào Nga và phi carbon hóa toàn bộ hệ thống năng lượng EU.
Nhiều khả năng các lãnh đạo sẽ tiếp tục yêu cầu phối hợp chặt chẽ hơn trong việc mua bán khí đốt và tận dụng triệt để hiệu quả của cơ chế nền tảng năng lượng EU để mua chung khí đốt (AggregateEU).
Các lãnh đạo EU cũng sẽ kêu gọi EC tiếp tục đánh giá tác động của các biện pháp khẩn cấp về năng lượng áp dụng trong năm 2022 để làm cơ sở đưa ra quyết định có gia hạn các biện pháp hay không. Bên cạnh đó, đề xuất cải cách thị trường năng lượng của EU cũng sẽ là một chủ đề được thảo luận tại hội nghị.
Thời gian qua, vấn đề người di cư có dấu hiệu nóng trở lại tại EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu gọi đây là vấn đề đã khơi mào căng thẳng chính trị và tư tưởng nội khối, thậm chí làm gia tăng tình trạng phân cực trong xã hội.
Trong bối cảnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp năm ngoái tăng 64% so với năm 2021 và những áp lực ngày càng gia tăng ở đường biên giới bên ngoài của khối, tại hội nghị lần này, các lãnh đạo EU sẽ đánh giá những sáng kiến của EC về quản lý đường biên giới hỗn hợp và các biện pháp phối hợp trong tiếp nhận hay đưa người di cư hồi hương.
EU dự kiến hợp tác nhiều hơn và tốt hơn với các nước thứ ba, nước xuất phát và nước trung chuyển. Trọng tâm thảo luận sẽ là các biện pháp tăng cường hợp tác ngăn chặn tình trạng buôn người và triệt phá các tổ chức tội phạm.
Những ưu tiên thảo luận tại hội nghị là thách thức mà EU đã tìm hướng giải quyết trong nhiều hội nghị trước, song chưa đạt được thống nhất.
Đặt mục tiêu trở thành một khối đoàn kết, với sức chịu đựng dẻo dai trước những cuộc khủng hoảng, có tầm ảnh hưởng toàn cầu rộng lớn hơn và ít phụ thuộc hơn, các nhà lãnh đạo EU đang hướng đến một cách tiếp cận đồng lòng hơn.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn để dung hòa những khác biệt trong nội khối nhưng như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel khẳng định, đây là cách duy nhất để duy trì mô hình EU dựa trên chính những nguyên tắc hình thành khối về những giá trị mang lại cho người dân, về cam kết đạt được sự thịnh vượng chung và đảm bảo an ninh để tiến lên phía trước, để tạo động lực hướng đến mục tiêu tự chủ và chủ quyền chiến lược.
LÊ ÁNH