Hành trình đầy rủi ro của di dân trên biển Địa Trung Hải
Sáng 26/2/2023, cảnh sát Italia phát hiện nhiều mảnh gỗ của một chiếc thuyền bị sóng đánh dạt vào bờ biển Calabria cùng nhiều xác chết. Hai ngày trước đó, một máy bay của lực lượng tuần tra biên giới EU nhìn thấy chiếc thuyền này ngoài khơi Calabria nên đã thông báo cho phía Italia. Người phát ngôn của hải quân Italia nói đã gửi 2 tàu tuần tra đến nhưng phải quay về vì thời tiết xấu, dẫn đến cái chết của 75 di dân, trong đó có 14 trẻ em.
Chiếc thuyền chở hàng trăm di dân chỉ còn là những mảnh vỡ. |
Theo những người sống sót, chiếc thuyền nói trên xuất phát từ bờ biển Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ với 170 người, gồm người Afghanistan, Pakistan, Syria và Iraq, mỗi người phải trả 8.500USD cho chuyến vượt biển.
Muhammad Khalib, di dân Afghanistan nói: “Không ai có áo phao cứu sinh, cả trăm con người ngồi chen chúc trong lòng thuyền. Mỗi ngày 2 lần, những kẻ tổ chức vượt biển phát cho mỗi người 1 cái bánh bột mì và 1 chai nước 1 lít. Trên thuyền chỉ có 1 nhà vệ sinh xả thẳng xuống biển và dĩ nhiên là chẳng ai được tắm rửa…”.
Ngày thứ 3 của cuộc hành trình, sau những đợt sóng lớn vì biển động mạnh, con thuyền chở di dân ủi vào một bãi cát ở ngoài khơi Calabria, Italia rồi mắc cạn. Đứng trước nguy cơ vỡ thuyền, nhóm điều khiển gồm 2 người Thổ Nhĩ Kỳ và 2 người Pakistan đã buộc một số đàn ông, đàn bà và cả trẻ em phải nhảy xuống biến để thuyền nhẹ bớt.
Muhammad Khalib nói: “Họ bảo cứ nhảy xuống đi, không chết đâu vì chỗ này rất cạn. Khi thuyền ra khỏi bãi cát, họ sẽ vớt lên. Một vài người ngồi trước mũi thuyền tỏ ra e dè thì bị đẩy xuống còn 9 đứa bé khoảng 8 đến 10 tuổi, gã điều khiển người Pakistan xốc nách từng đứa một rồi ném xuống, mặc cho chúng khóc lóc, la hét, giãy giụa”.
Vẫn theo Muhammad Khalib, cả thuyền không ai dám phản ứng vì họ sợ sẽ đến lượt mình. Những người bị ném xuống biển chìm lỉm chỉ sau vài giây bởi những đợt sóng cao hơn 3m liên tục ập đến. Khi thấy nước tràn vào lòng thuyền, một gã trong nhóm điều khiển hét lên, ra lệnh cho mọi người phải tát nước bằng tất cả những gì họ có. Muhammad Khalib nói: “Tôi cùng nhiều người khác cởi áo khoác ra, nhúng đẫm nước rồi vắt xuống biển. Cũng không ít người tát nước bằng tay và cả bằng giày, chẳng khác gì trò chơi trẻ con…”.
Sau khoảng 20 phút, chiếc thuyền có vẻ đã như đã nổi lên được một chút thì bất ngờ một con sóng lớn đánh thẳng vào nó. Phần thân ở phía mạn phải hứng trọn con sóng, vỡ thành từng mảnh, nước ào ạt tràn vào lòng thuyền. Đến lúc này, mọi hành động để giữ cho thuyền không chìm chẳng còn tác dụng gì nữa.
Leila, một thiếu nữ người Syria may mắn sống sót kể lại: “Thuyển chìm rất nhanh nhưng sau đó nó lại nổi lên rồi lại tiếp tục vỡ dưới tác động của những cơn sóng. Gần như tất cả mọi người trên thuyền đều bị sóng hất ra ngoài, trong đó có tôi”. Bám được vào một mảnh ván dài, Leila hoàn toàn tuyệt vọng. Cô nói: “Lúc ấy tôi biết rằng tôi sẽ chết. Tôi nghĩ về mẹ tôi. Bà sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác tôi…”.
Thông thường, bọn buôn người chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm nơi xuất phát thuyền chở di dân. Nếu như trước đây, di dân được thả xuống những đảo hoang gần đảo Kalamal, Hy Lạp để chờ cảnh sát đến bắt, đưa vào những trại tạm cư rồi tiếp theo là quá trình thanh lọc. Nếu may mắn, di dân sẽ được những quốc gia thuộc khối EU tiếp nhận thì nay trước sự quá tải, chính phủ Hy Lạp tuyên bố đóng cửa hải phận nên bọn buôn người chọn cách vòng qua đảo Kalamal để đến Calabria, Italia.
Thi thể của một người xấu số được vớt lên. |
Tuy nhiên cách này phải đi ngang biển Ionian, nổi tiếng với những dải cát ngầm và những cơn sóng dữ. Theo Bộ trưởng Nội vụ Italia là ông Matteo Piantedosi, lực lượng hải quân Italia thường chỉ tuần tra ở Địa Trung Hải vì đó là con đường chính của người di cư, xuất phát từ Lybia, Tunisia.
Chỉ đến khi một máy bay thuộc lực lượng kiểm soát biên giới của khối EU phát hiện chiếc thuyền trên biển Ionian, ngoài khơi Calabria, Italia thì đã quá muộn. Hai tàu hải quân Italia được điều ra nhưng do sóng quá lớn, họ không thể tiếp cận với con thuyền bị nạn nên phải quay về.
Ngay sau khi những mảnh vỡ của chiếc thuyền chở di dân dạt vào bờ biển Calabria, cảnh sát Italia lập tức tổ chức tìm kiếm cứu hộ. Kết quả họ vớt được 80 người sống sót nhờ bám vào những mảnh gỗ, trong đó có 3 kẻ cầm đầu gồm 1 người Thổ Nhĩ Kỳ, 2 người Pakistan còn kẻ thứ 4 mất tích. Về số người chết, tính đến ngày 12/3, cảnh sát tìm thấy 75 tử thi, trong đó có 14 trẻ em.
Theo công tố viên Giuseppe Capoccia, lời khai của những người sống sót không nhất quán. Nhiều người cho biết có tổng cộng 170 di dân trên thuyền nhưng nhiều người khác lại khai rằng con số ấy là 250! Ông Giuseppe Capoccia nói việc điều tra vẫn đang tiếp tục nhằm xác định chính xác số người có mặt lúc xảy ra thảm họa đồng thời có biện pháp xử lý thích hợp với những kẻ buôn người.
Cũng trong ngày xảy ra thảm họa, bà Giorgia Meloni, thủ tướng Italia đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trong lời chia buồn. Bà nói: “Chính phủ Italia cam kết ngăn chặn các cuộc di dân nhằm tránh lập lại tấn thảm kịch này và sẽ tiếp tục làm như vậy, trước hết bằng cách yêu cầu sự hợp tác tối đa từ các quốc gia nơi di dân khởi hành…”.
Ông Vincenzo Voce, thị trưởng thị trấn Crotone - là nơi những mảnh vỡ và xác chết dạt vào bờ, lúc đem vòng hoa đến trước những quan tài đặt tại nhà thi đấu thể thao của thành phố, nói: “Những kẻ buôn người là những tên tội phạm ghê tởm. Chúng ném người xuống biển không chút đắn đo. Chúng tôi hứa sẽ làm tất cả để không những chúng, mà còn cả với những kẻ tổ chức, dù ở bất cứ nơi nào cũng phải chịu hình phạt tương xứng”.
Theo Tổ chức di dân thế giới thuộc Liên hợp quốc (IOM), di dân phần lớn ra đi vì lý do kinh tế cũng như chạy trốn những bạo lực ở quê nhà, và tuyến hàng hải băng qua biển Ionia là một trong những nơi nguy hiểm nhất Địa Trung Hải. Ngay cả những tàu tuần tra của Hải quân Italia cũng ít khi xuất hiện ở nơi này vì thường có những con sóng cao từ 3 đến 9m, cộng với dòng chảy luôn thay đổi bởi sự dịch chuyển của những bãi cát ngầm.
Farzad, người Iran 49 tuổi, đã từng vượt biển cùng 42 di dân trên một chiếc thuyền gỗ và may mắn được cho đi định cư ở nước Anh nói: “Chúng tôi lênh đênh trên biển 14 ngày và đã có 16 người chết. Lúc gần đến bờ biển Calabria, thuyền rơi vào dòng chảy thay đổi. Từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng, nó chìm xuống, nổi lên không biết bao nhiêu lần. Những người chết là những người đã cố bám chặt vào thuyền nhưng kiệt sức...”.
|
VŨ CAO (Theo Italia News)