OPEC+ sẽ theo đuổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến cuối 2023
Trả lời phỏng vấn Energy Intelligence ngày 14/3, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho rằng liên minh gồm các nhà sản xuất thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) sẽ theo đuổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã nhất trí hồi tháng Mười cho đến cuối năm nay.
Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. |
Ông nói: “Có những người tiếp tục nghĩ rằng chúng tôi sẽ điều chỉnh thỏa thuận, song cần đợi đến ngày 29/12 để chứng minh cho họ thấy cam kết của chúng tôi đối với thỏa thuận hiện tại”.
Hoàng tử Abdulaziz cũng cho biết Dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC) của Mỹ hoàn toàn khác với chính sách áp giá trần giá đối với dầu Nga, nhưng dự luật này có tác động tiềm tàng tương tự đối với thị trường dầu mỏ.
Tuần trước, các thượng nghị sỹ Mỹ từ cả hai đảng đã tái đề xuất NOPEC. Đây là dự luật nhằm ngăn chặn OPEC+, dàn xếp việc hạn chế nguồn cung để tăng giá dầu thô trên toàn cầu.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ thay đổi luật chống độc quyền hiện hành ở Mỹ, qua đó thu hồi quyền miễn trừ tư pháp lâu nay bảo vệ OPEC cũng như các công ty dầu mỏ quốc gia thuộc tổ chức này khỏi các vụ kiện.
Ông Abdulaziz cho rằng NOPEC không thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì công suất dự phòng và hậu quả có thể là sự mất ổn định của thị trường.
Theo ông Abdulaziz, NOPEC sẽ làm suy yếu các khoản đầu tư vào nâng cao công suất sản xuất và khiến nguồn cung toàn cầu giảm.
Hoàng tử Abdulaziz cũng cho biết tăng trưởng nhu cầu toàn cầu sẽ vượt xa khả năng dự phòng hiện tại trong khi dự trữ khẩn cấp ở mức thấp lịch sử. Đây là lý do tại sao các chính sách cần hỗ trợ các khoản đầu tư cần thiết nhằm tăng công suất dự phòng một cách kịp thời và các kho dự trữ khẩn cấp toàn cầu được duy trì ở mức phù hợp và thoải mái.
Bất chấp những dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ông Abdulaziz vẫn lưu ý về sự thiếu chắc chắn về triển vọng phục hồi nhu cầu khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt dịch COVID-19.
TRÀ MY