Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga và nỗ lực trở thành trung gian hòa giải của Bắc Kinh
Ngày 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày tại Nga với hy vọng mang lại một bước đột phá về xung đột Ukraine trong bối cảnh quốc gia châu Á tìm cách khẳng định mình là một nhà kiến tạo hòa bình trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2022. |
Theo hãng tin AFP, tiếp tục được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, ông Tập Cận Bình đang thúc đẩy vai trò lớn hơn của Trung Quốc trên trường quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian cho sự nối lại quan hệ bất ngờ giữa 2 đối thủ Trung Đông là Iran và Saudi Arabia trong tháng này.
Những lời đồn đoán về việc ông Tập Cận Bình có thể sớm thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột bùng nổ đã làm các nhà lãnh đạo phương Tây dấy lên hy vọng rằng Chủ tịch Trung Quốc có thể ngăn “người bạn cũ” của mình – Tổng thống Nga Vladimir Putin – dừng chiến dịch tại Ukraine.
Trong một thông báo về chuyến công du hôm 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Vương Văn Bân cho biết Trung Quốc sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Bắc Kinh, một đồng minh lớn của Nga, từ lâu luôn tìm cách thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, họ đã từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga và đã chỉ trích gay gắt sự ủng hộ của Washington đối với Kiev. Điều này đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây cáo buộc Bắc Kinh ngầm ủng hộ Nga.
Giáo sư Elizabeth Wishnick, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Bang Montclair (Mỹ), nhận định chuyến đi đến Nga của ông Tập Cận Bình - diễn ra sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vào ngày 17/3 ra lệnh bắt giữ Tổng thống Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh - nhằm mục đích thể hiện bất cứ sự hỗ trợ nào mà ông ấy có thể cung cấp cho đối tác chiến lược của mình.
Trong một nỗ lực trở thành người hòa giải, đầu tháng 2, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch hòa bình tại Ukraine gồm 12 điểm, kêu gọi đối thoại và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước. Bắc Kinh cũng đã quảng bá Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) - một chính sách nổi bật của ông Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững.
Cả hai tài liệu đều vấp phải sự chỉ trích của phương Tây vì chúng chỉ dựa vào các nguyên tắc chung chung thay vì các giải pháp thiết thực cho cuộc khủng hoảng.
Phó Giáo sư Chong Ja Ian, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Bắc Kinh tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết chính sách ngoại giao gần đây của Trung Quốc xung quanh xung đột dường như là một nỗ lực nhằm làm nổi bật GSI, tạo động lực cho chính sách đối ngoại và tái can dự của nước này với thế giới.
“Việc Trung Quốc có thực sự đẩy mạnh nỗ lực đóng vai người kiến tạo hòa bình một cách có ý nghĩa hay không sẽ phụ thuộc vào bản chất của những gì họ đề xuất trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga”, Giáo sư Chong lưu ý.
Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thể hiện mình là một trung gian hòa giải quốc tế còn được thể hiện vào tháng 3 khi họ trở thành bên giám sát một thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran.
Có thông tin cho rằng chính ông Tập Cận Bình đã đề nghị Trung Quốc đóng vai trò là cầu nối giữa hai quốc gia gia, thách thức vai trò lâu nay của Washington với tư cách là nhà môi giới quyền lực chủ chốt ở Trung Đông.
Trợ lý Giáo sư Audrye Wong tại Đại học Nam California, nhận định: “Việc môi giới cho thỏa thuận Saudi Arabia - Iran sẽ đóng góp một phần, giúp chính phủ Trung Quốc gây dựng hình ảnh là một bên tham gia toàn cầu tích cực thúc đẩy hòa bình và hợp tác, trái ngược với các hành động gây bất ổn có chủ đích của Washington”.
Tuy nhiên, ông Wang đánh giá việc dập tắt tiếng súng ở Ukraine sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran do sức ảnh hưởng của Trung Quốc với Nga bị hạn chế và Mỹ thì ủng hộ Kiev.
Ông Wang gợi ý Bắc Kinh có thể giúp hình thành “một hiệp định đình chiến tương tự như hiệp định Chiến tranh Triều Tiên” nhằm ngăn chặn giao tranh nhưng lại đặt ra các câu hỏi về chủ quyền lãnh thổ sau này.
Giáo sư Wishnick cho biết Ukraine không có khả năng chấp nhận Trung Quốc làm trung gian hòa giải vì không coi quốc gia châu Á là một nước trung lập.
“Ông Tập Cận Bình có thể háo hức đạt được những thành công ngoại giao, nhưng tôi không thấy điều đó từ Ukraine. Không bên nào sẵn sàng từ bỏ mục tiêu giành được lãnh thổ trên chiến trường”, nữ giáo sư kết luận.
BẢO HÀ