UNDP kêu gọi xóa bỏ bạo lực ở châu Phi

Chủ Nhật, 19/02/2023, 18:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 19/2, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chỉ có thể được loại bỏ thông qua việc sử dụng một loạt các công cụ kinh tế, xã hội và chính trị, qua đó mang lại tiến bộ và ổn định trên lục địa châu Phi.

Các tay súng M23 gác tại Bunagana (CHDC Congo).
Các tay súng M23 gác tại Bunagana (CHDC Congo).

Theo báo cáo được UNDP công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) diễn ra trong hai ngày 18-19/2 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, châu Phi hiện là tâm điểm mới của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, chiếm 48% tổng số ca tử vong liên quan đến khủng bố trên toàn cầu.

Báo cáo của UNDP chỉ ra rằng, nghèo đói, thất nghiệp, cấu trúc xã hội bị phá vỡ, bị gạt ra bên lề xã hội là những yếu tố thúc đẩy giới trẻ của lục địa này áp dụng các hệ tư tưởng bạo lực.

Ông Achim Steiner, Tổng Giám đốc UNDP, cho rằng: "Khu vực phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi đã trở thành tâm điểm toàn cầu mới của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, với những tác động mang tính tàn phá đối với cuộc sống và sinh kế, cũng như đối với triển vọng hòa bình và phát triển".

Ông nhấn mạnh rằng, việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan bạo lực như nghèo đói, xung đột sắc tộc, truyền bá tôn giáo và phân biệt đối xử phải là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ châu Phi và các đối tác song phương của họ.

Theo ông Steiner, đầu tư vào xây dựng hòa bình, trao quyền cho thanh niên, hòa nhập chính trị và gắn kết giữa các sắc tộc có thể sẽ hiệu quả hơn trong việc khắc phục mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Báo cáo của UNDP cũng lưu ý rằng, khu vực Sừng châu Phi và khu vực Sahel hiện là điểm nóng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực và mối đe dọa này đã lan sang Mozambique, khiến nhiều người thương vong, người dân phải di tản hàng loạt và tình trạng bất ổn về kinh tế.

UNDP kêu gọi các chính phủ đầu tư vào các dự án kinh tế vì người nghèo, mở rộng giáo dục cơ bản, cải thiện quản trị và tăng cường pháp quyền để ngăn chặn cộng đồng áp dụng các hệ tư tưởng bạo lực.

TRUNG KHÁNH

;
.