Các chuyên gia nước này cho rằng thách thức đầu tiên là chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Với tín hiệu khả quan từ thị trường việc làm mới được báo cáo gần đây, hiện chưa rõ ràng khả năng Fed có tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới vào tháng 3 tới.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. |
Trong lần tăng lãi suất gần đây nhất vào ngày 1/2, Fed đã lưu ý rằng cơ quan này đang tính toán độ trễ mà chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng và DN Mỹ hiện vẫn chưa cảm nhận được tất cả áp lực từ chuỗi 4 lần tăng mạnh lãi suất liên tiếp của Fed (0,75%) vào năm ngoái.
Chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ đã bắt đầu giảm vào cuối năm ngoái với mức giảm 0,1% trong tháng 11 và giảm 0,2% trong tháng 12. Tuy nhiên, bất chấp sự suy giảm chi tiêu, giới chức Mỹ tin rằng một thị trường lao động mạnh mẽ sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế vượt qua nỗi lo suy thoái.
Tiếp theo là trần nợ công của chính phủ. Mỹ đã đạt đến giới hạn nợ liên bang vào tháng 1, buộc Bộ Tài chính bắt đầu phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để đảm bảo quốc gia không bị vỡ nợ. Quốc hội Mỹ cần tăng mức trần vay của chính phủ liên bang vào mùa Hè này, nếu không chính phủ sẽ vỡ nợ và gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, trong một Quốc hội đang bị chia rẽ, đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Tiếp đến là tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao. Lạm phát ở Mỹ đã giảm trong 6 tháng liên tiếp nhưng vẫn ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 6,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tăng 5%. Mục tiêu của Fed là đưa tỷ lệ lạm phát hàng năm về mức 2%, nhưng một số nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ về khả năng Fed đạt được mục tiêu này mà không khiến nền kinh tế lâm vào suy thoái.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát gần đây đang giảm dần nhưng có thể sẽ ngày càng khó khăn khi tiến gần đến mục tiêu. Trong trường hợp đó, chính quyền Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ có thể phải xem xét các biện pháp chống lạm phát bổ sung, trong đó có việc giải phóng xăng dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Một thách thức khác là những bất ổn trong thị trường lao động vẫn tiếp diễn. Năm 2022, Mỹ đã chứng kiến những cuộc đình công ở một số công ty lớn như Starbucks và Amazon và nhiều hoạt động khác diễn ra trên khắp đất nước.
Sau cùng là những tác động từ các vấn đề toàn cầu. Những ảnh hưởng đối với nguồn cung do đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine và những “cơn gió ngược” mang tính toàn cầu khác đã đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ vào năm 2022, thúc đẩy lạm phát cao và làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Những rủi ro này vẫn còn rất nhiều, trong đó đáng chú ý là xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn, trong khi thị trường xăng dầu đầy biến động mang lại những rủi ro về lạm phát. Cùng với đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng phải theo dõi những thay đổi trong chính sách phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, vốn bắt đầu được nới lỏng từ cuối năm ngoái.
Trong Thông điệp Liên bang ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của nước này và các đồng minh đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
“Cùng với nhau, chúng tôi đã làm những gì mà nước Mỹ luôn làm tốt nhất. Chúng tôi dẫn đầu. Chúng tôi đoàn kết NATO. Chúng tôi xây dựng một liên minh toàn cầu. Chúng tôi đứng bên người dân Ukraine. Tối nay, một lần nữa chúng ta vinh hạnh có sự tham dự của Đại sứ Ukraine tại Mỹ. Bà không chỉ đại diện cho quốc gia mà đại diện cho dũng khí người dân nước bà”, Tổng thống Biden phát biểu.
Theo Lầu Năm Góc, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, Mỹ đã cam kết viện trợ 29 tỷ USD cho Kiev. Gói viện trợ mới nhất mà chính quyền Tổng thống Biden thông qua là 2,17 tỷ USD, trong đó có chuyển giao tên lửa tầm xa hơn.
Tháng trước, Mỹ cũng cam kết gửi 31 xe tăng chiến đấu M-1 Abrams cho Ukraine-một quyết định khiến các đồng minh thuộc NATO đưa ra những hành động tương tự.
|
HỒNG NGUYÊN