Sáng 24/2, hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã lần đầu được tổ chức tại Bengaluru, bang Karnataka của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. |
Bộ trưởng Tài chính Nirmana Sitharaman và Thống đốc ngân hàng trung ương Shaktikanta Das của Ấn Độ đã đồng chủ trì hội nghị.
Trong thông điệp video khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh, đây là cuộc đối thoại cấp bộ trưởng đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ và chúc hội nghị gặt hái nhiều thành công.
Nêu bật những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, Thủ tướng Modi cho biết, các đại biểu là đại diện cho lãnh đạo nền kinh tế và tài chính toàn cầu vào thời điểm thế giới đang đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng.
Ông nêu ví dụ về đại dịch COVID-19 và những hậu quả của đại dịch đối với kinh tế toàn cầu, như căng thẳng địa chính trị gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, giá cả tăng cao, an ninh lương thực và năng lượng bất ổn, nợ công thiếu bền vững ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, đồng thời làm xói mòn niềm tin đối với các tổ chức tài chính quốc tế khi những tổ chức này chưa thể cải cách nhanh chóng.
Theo Thủ tướng Modi, hiện nay việc củng cố sự ổn định, niềm tin và tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào những người giám sát các nền kinh tế và hệ thống tiền tệ hàng đầu thế giới.
Đề cập tình hình kinh tế Ấn Độ phát triển sôi động, Thủ tướng Modi nhấn mạnh sự lạc quan của người tiêu dùng và nhà sản xuất Ấn Độ về tương lai của nền kinh tế quốc gia, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, những người tham gia hội nghị sẽ truyền cảm hứng và tinh thần tích cực tương tự ra toàn cầu. Ông kêu gọi các thành viên G20 tập trung thảo luận về những biện pháp bảo vệ người dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới và kêu gọi các lãnh đạo kinh tế toàn cầu tạo ra một chương trình nghị sự bao trùm.
Ông Modi cũng nêu bật ý nghĩa chủ đề nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ là “Một trái đất, một gia đình, một tương lai” nhằm thúc đẩy tầm nhìn toàn diện. Theo Thủ tướng Modi, tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dường như đang chậm lại mặc dù dân số thế giới đã vượt 8 tỷ người. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố các ngân hàng phát triển đa phương để đối phó với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và mức nợ cao.
Nhấn mạnh sự ảnh hưởng ngày càng tăng của công nghệ trong thế giới tài chính, Thủ tướng Modi kêu gọi các thành viên G20 tham gia khám phá và khai thác sức mạnh của công nghệ đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn để điều chỉnh nguy cơ mất ổn định và lạm dụng có thể xảy ra trong hệ thống tài chính kỹ thuật số.
Thủ tướng Modi lưu ý rằng, Ấn Độ đã tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng có độ an toàn, tin cậy và hiệu quả cao trong hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số quốc gia trong vài năm qua. Ông nêu rõ hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số của Ấn Độ đã được phát triển như những hàng hóa/dịch vụ công cộng miễn phí. Điều này về cơ bản đã thay đổi việc quản trị, tài chính toàn diện và sự thuận tiện của cuộc sống ở Ấn Độ.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ đã tạo ra một hệ thống mới cho phép khách hàng sử dụng chế độ thanh toán nhanh nhất, đó là “UPI” (Giao diện thanh toán hợp nhất). Lưu ý rằng cuộc họp đang diễn ra ở Bengaluru, thủ phủ công nghệ của Ấn Độ, Thủ tướng Modi cho biết, các đại biểu có thể có được trải nghiệm trực tiếp về cách người tiêu dùng Ấn Độ chấp nhận thanh toán kỹ thuật số.
Dự kiến, trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề trong đó có vấn đề củng cố các ngân hàng phát triển đa phương để giải quyết những thách thức toàn cầu chung của thế kỷ 21.
NGỌC THÚY