EU ghi nhận gần 1 triệu đơn xin tị nạn

Thứ Năm, 23/02/2023, 20:22 [GMT+7]
In bài này
.

Lượng đơn đăng ký xin tị nạn vào Liên minh châu Âu (EU) đã tăng vọt trong năm 2022 kể từ khi các nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19.

Người di cư Afghanistan vượt biển Aegea vào đảo Lesbos của Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Người di cư Afghanistan vượt biển Aegea vào đảo Lesbos của Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan tị nạn EU (EUAA) cho thấy, trong năm 2022 đã có gần 1 triệu đơn xin tị nạn được nộp vào 27 quốc gia thành viên của khối, cùng với Thụy Sĩ và Na Uy.

Cụ thể, EU đã nhận được 966.000 đơn xin tị nạn trong năm ngoái. So với năm 2021, lượng đơn xin tị nạn được ghi nhận năm vừa qua tăng 50% và cũng là mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016 với hơn 1,2 triệu đơn đăng ký.

Người Syria và Afghanistan chiếm phần lớn trong số những người xin tị nạn vào EU trong năm 2022, khoảng 25% tổng số đơn, tương ứng 131.697 người và 128.949 người. Tiếp sau đó là những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ (55.437 người), Venezuela (51.000 người), Colombia (43.000 người) và các nhóm người di cư từ Bangladesh, Gruzia, Ukraine, Ấn Độ, Maroc, Tunisia, Nigeria và Somalia.

Dữ liệu cho thấy, trong các đơn tị nạn vào EU trong năm 2022, số lượng trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2015 là 43.000 trẻ. Khoảng 66% số này đến từ Syria và Afghanistan.

Những người mang quốc tịch Ukraine không nằm trong danh sách thống kê, do họ thuộc quy chế bảo vệ tạm thời do EU ban hành vào tháng 3/2022.

Theo quy chế này, người tị nạn đến từ Ukraine và gia đình sẽ được cấp phép cư trú cũng như quyền đi làm và học tập trong năm đầu tiên, được gia hạn 6 tháng một lần với tổng thời gian 2 năm.

Theo cơ quan thống kê Eurostat của EU, quy chế bảo vệ tạm thời hiện được áp dụng với khoảng 4 triệu người Ukraine, trong đó chỉ có 2% nộp đơn xin tị nạn.

Ước tính khoảng 28.000 người Ukraine đã nộp đơn xin tị nạn vào EU trong năm 2022, cũng là con số cao nhất từng ghi nhận.

Các biện pháp hạn chế đi lại được EU và nhiều quốc gia khác áp dụng trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19 đã gây trở ngại cho nhiều người di cư, bao gồm cả những người xin tị nạn.

Hầu hết các biện pháp này đã được dỡ bỏ trong năm 2022 khi các nước EU triển khai các chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.

HOÀNG CHÂU

;
.