Năm 2023 nền kinh tế toàn cầu có thể ảm đạm hơn

Thứ Năm, 29/12/2022, 20:21 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2022 được cho là một năm hồi sinh sau đại dịch của kinh tế toàn cầu, nhưng thực tế lại được đánh dấu bởi một cuộc xung đột mới, lạm phát cao kỷ lục và các thảm họa do biến đổi khí hậu. Theo một số dự báo, năm 2023 có thể là một năm ảm đạm hơn.

Giáo sư về kinh tế vĩ mô tại Đại học Amsterdam, Roel Beetsma cho rằng, số cuộc khủng hoảng đã gia tăng kể từ đầu thế kỷ. Kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới chưa từng chứng kiến tình hình phức tạp như vậy.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch vào năm 2020, giá tiêu dùng bắt đầu tăng trong năm 2021, khi các nước dỡ bỏ phong tỏa và các hạn chế khác.

Các ngân hàng trung ương khẳng định rằng, lạm phát sẽ chỉ là tạm thời, khi các nền kinh tế trở lại bình thường. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng Hai đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Nhiều nước đang chật vật với các cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí do lương tăng không theo kịp lạm phát, buộc các gia đình đứng trước những lựa chọn khó khăn trong việc chi tiêu.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá tiêu dùng tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới được cho là sẽ tăng 8% trong quý IV/2022, trước khi tăng chậm hơn, ở mức 5,5%, trong năm 2023.

Cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn trong tháng 12, nhưng cho rằng vẫn cần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Các nhà kinh tế nhận định Đức và một nền kinh tế lớn khác ở Eurozone là Italy sẽ rơi vào suy thoái. Kinh tế Anh hiện đang suy giảm. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global nhận định kinh tế Eurozone sẽ đình trệ trong năm 2023.

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế vẫn nhận định kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2023. OECD dự báo mức tăng trưởng 2,2%.

Việc nới lỏng các hạn chế nhằm kiểm soát dịch tại Trung Quốc đưa đến hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là động lực chính cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu này.

Với Giáo sư Beetsma, cuộc khủng hoảng lớn nhất là biến đổi khí hậu.

Theo tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re, những thảm họa thiên nhiên và thảm họa do con người gây ra gây thiệt hại kinh tế 268 tỷ USD kể từ đầu năm nay. Riêng cơn bão Ian đã gây thiệt hại được bảo hiểm ước tính 50-65 tỷ USD.

LÊ MINH

;
.