Ngày 6/12, các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu các cuộc đàm phán về thương mại và công nghệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về các khoản trợ cấp của Mỹ cho ngành công nghiệp thân thiện môi trường mà châu Âu coi là phản cạnh tranh.
Các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng lần thứ 3 của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU tại Maryland đề cập đến các vấn đề như hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, vấn đề ép buộc kinh tế, nhưng tâm điểm vẫn là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Washington.
Đạo luật này được soạn thảo nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Mỹ sang nền kinh tế carbon thấp, bao gồm khoảng 370 tỷ USD trợ cấp cho năng lượng xanh, cũng như cắt giảm thuế đối với ô tô và pin điện do Mỹ sản xuất. Các nước EU chỉ trích IRA là mối đe dọa đối với việc làm ở châu Âu, đặc biệt trong ngành năng lượng và ôtô.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố các cuộc đàm phán ngày 5/12 là một phần trong nỗ lực "phát triển mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương", nhấn mạnh Mỹ hiểu những lo ngại của EU về IRA.
Tuy nhiên, quan chức của EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton đã quyết định không tham gia các cuộc đàm phán. Văn phòng của ông Breton cho biết, ông nhận thấy Mỹ không dành đủ không gian để giải quyết các vấn đề mà nhiều bộ trưởng và doanh nghiệp châu Âu quan tâm.
Hồi tháng trước, ông Breton đe dọa sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và xem xét "các biện pháp trả đũa" nếu Mỹ không đảo ngược các khoản trợ cấp của mình.
Kế hoạch này cũng là chủ đề thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tuần trước.
Ông Biden cho biết, hai bên đã đồng ý thảo luận về các bước đi thực tế để phối hợp và điều chỉnh các cách tiếp cận, song khẳng định ông sẽ không xin lỗi về hành động mà ông cho là không bao giờ nhằm gây bất lợi cho các đồng minh của Mỹ.
NGỌC BIÊN