Hồ Titicaca, thiên đường buôn lậu giữa Peru và Bolivia
Nằm trong dãy núi Andean, biên giới tự nhiên giữa Bolivia và Peru, Nam Mỹ, hồ Titicaca là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới đồng thời cũng là ngã tư của những nền kinh tế tội phạm. Thông qua hồ này, các đường dây vận chuyển ma túy cocain, thủy ngân, thực phẩm, xăng dầu, động vật hoang dã và cả buôn người ngang nhiên hoạt động.
Một nhóm buôn lậu thủy ngân chờ thuyền để vượt hồ Titicaca sang Peru. |
1. Nếu nói về ma túy thì thị trấn biên giới Desaguadero nằm ở phía Nam hồ Titicaca, bị chia đôi bởi con sông Desaguadero là con đường chính để vận chuyển cocain và lá cây coca từ Peru. Dọc theo con sông này có hàng chục bến cảng bất hợp pháp mà lớn nhất là cảng La Carronera, được các băng nhóm ma túy sử dụng cả ngày lẫn đêm. Nhằm tránh khỏi những con mắt tò mò và phát hiện của cảnh sát, tất cả các cảng đều ẩn mình sau những rừng cây sậy nước (totora) nhiều cây cao đến 6m.
Nếu trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, lượng cocain bị các cơ quan chức năng Bolivia thu giữ mỗi lần chỉ là vài chục kg thì từ khi COVID-19 hoành hành, do thị trường tiêu thụ chính là các quốc gia châu Âu, Mỹ, đóng cửa biên giới, dẫn đến tình trạng tồn kho nên số lượng tịch thu cũng tăng lên, có vụ là vài tấn.
Theo Paredes, sĩ quan thuộc lực lượng Biên phòng Bolivia, từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ riêng đơn vị ông đã bắt được 3 vụ, tổng cộng 3.669kg cocain. Ông Paredes nói: “Các vụ này đều xảy ra ở sông Desaguadero, nơi cocain từ Peru theo hồ Titicaca vào các bến cảng. Trước khi xuất phát, bọn buôn lậu cho cocain vào những thùng kín, thả chìm xuống nước và được neo giữ bởi những sợi dây buộc trong lòng thuyền. Nếu bị truy đuổi, chúng cắt dây cho thùng chìm xuống để phi tang chứng cứ rồi sau này sẽ tìm cách trục vớt…”.
Vì thế, có nhiều vụ dù nhận được tin mật báo nhưng khi lực lượng Biên phòng Bolivia chặn thuyền lại để kiểm tra thì không hề tìm thấy một gam cocain nào!
Việc thẩm lậu cocain từ Peru vào Bolivia có nguyên nhân của nó. Do mất cân bằng về lượng sản xuất, giá lá coca ở Peru rẻ hơn nhiều so với Bolivia nên giá thành của cocain cũng rẻ hơn.
Ông Paredes nói: “Ngay cả khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội, việc thẩm lậu cocain từ Peru vào Bolivia cũng không giảm đi vì các băng nhóm tội phạm hiểu rằng đến một lúc nào đó, các quốc gia châu Âu, Mỹ, cũng phải dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới. Khi đó lợi nhuận từ việc bán cocain chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần…”.
2. Không chỉ cocain, hồ Titicaca còn là con đường vận chuyển thực phẩm nhập lậu. Vẫn từ quốc gia láng giềng Peru, hành, khoai tây là mặt hàng buôn lậu chủ lực, người tiêu dùng Bolivia có thể thấy nó bày bán nhan nhản trong các chợ ở La Paz, Cochabamba… Sự chênh lệch giá cả một lần nữa đã thúc đẩy “thị trường đen” tăng trưởng mặc cho những lời phàn nàn của Chính phủ Bolivia về nguy cơ tụt hậu của ngành nông nghiệp nước này.
Theo trang tin Mỹ Latin ngày nay- Latin America Today, chỉ riêng tháng 10/2022, lực lượng Bolivia tuần tra trên hồ Titicaca đã thu giữ hơn 300 tấn nông sản, gồm hành tây, khoai tây, dâu, bơ… Cũng trong thời gian này, lực lượng tuần tra còn bắt một xe tải loại 12 tấn khi nó từ một bến cảng ở sông Desaguadero và đang trên đường đến La Paz, trên xe có 10.000 hộp thịt bò, trị giá 100.000USD.
Trước đó, theo số liệu của Cơ quan an toàn thực phẩm Bolivia (Servicio Nacional de Sanidad Agropecuaria e Inocuidad Alimentaria), từ tháng 1 đến tháng 3/2022, đã có hơn 387 tấn thực phẩm bị thu giữ, trong đó hơn một nửa là thịt bò và thịt cừu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Bolivia là ông Daniel Vargas, người trực tiếp phụ trách chống buôn lậu cho biết phần lớn thực phẩm nói trên sẽ được chuyển đến các thành phố xa hơn ở phía Đông Bolivia, nơi nhu cầu lớn hơn giá bán cũng cao hơn. Số còn lại được phân phối cho các chợ buôn lậu lâu đời như Virupaya, Puerto Acosta…
Vẫn theo Thứ trưởng Daniel Vargas, ở chiều ngược lại, các băng nhóm tội phạm tổ chức nhiều đường dây vận chuyển xăng dầu từ Bolivia sang Peru vì tại Bolivia, giá xăng dầu được chính phủ trợ cấp. 1 lít xăng hoặc dầu diesel có thể bán ở Peru với giá cao gấp 3 lần so với giá mua ở Bolivia. Một số xe bồn chở xăng, dầu diesel với giấy tờ hợp pháp hoặc giả mạo “cung cấp cho các đại lý bán lẻ ở thị trấn Desaguadero”, xuất phát từ La Paz nhưng khi đến các cảng sông, nó sẽ được bơm xuống các xà lan rồi vượt hồ Titicaca để đến các thị trấn biên giới Peru là Virupaya, Jankho Jankho và Patacaile.
Tháng 10/2022, sau nhiều lần bí mật trinh sát, lực lượng Biên phòng Bolivia đã thu giữ hơn 200.000 lít xăng trên 4 xà lan ở phía đông hồ Titicaca. Theo lời khai của thủy thủ đoàn, nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, chợ xăng dầu lậu ở Peru mỗi tuần chỉ mở cửa 2 lần vào thứ Tư và thứ Bảy, người mua có thể trả bằng tiền mặt hoặc bằng ma túy cocain!
3. Lợi nhuận của việc buôn lậu nông sản, xăng dầu vẫn chưa là gì so với buôn người. Bắt đầu từ trị trấn Puerto Acosta trên đất Bolivia, phụ nữ và trẻ em gái Bolivia được các băng nhóm tội phạm đưa đến biên giới Peru. Ở phía Tây Bắc của hồ Titicaca, những chiếc xe khách chờ sẵn trên đường cao tốc Juliaca-Moho, đưa các nạn nhân đến thị trấn Juliaca, Peru.
Tại đây, họ sẽ lại tiếp tục được đưa đến những thành phố lớn để bán cho các nhà chứa hoặc các mỏ khai thác vàng bất hợp pháp ở Madre de Dios và Puno. Một sĩ quan thuộc lực lượng Biên phòng Bolivia than phiền họ không đủ người để kiểm soát biên giới, nơi có hàng trăm đường mòn vô danh, tạo ra bởi các băng nhóm.
Số liệu của cơ quan thanh tra thuộc Bộ Xã hội Bolivia cho thấy nạn buôn người ở Bolivia đã tăng hơn 8% từ cuối năm 2021 đến tháng 9/2022, trong đó phụ nữ chiếm 63% và độ tuổi từ 11 đến 20 chiếm 43%. Cứ mỗi phụ nữ đưa sang Peru trót lọt, các băng nhóm kiếm được từ 8.000 đến 12.000USD tùy theo tuổi tác và nhan sắc trong lúc chúng chỉ “ứng trước” cho mỗi nạn nhân hoặc gia đình họ từ 1.000 đến 1.500USD và số tiền này nạn nhân sẽ bị trừ lại sau khi “nhận được việc làm”.
Cuối cùng là buôn lậu thủy ngân. Năm 2021, Bộ Mỏ và Luyện kim Bolivia ước tính khoảng 52 tấn thủy ngân đã được chuyển lậu sang Peru, cung cấp cho những mỏ khai thác vàng trái phép. Một lần nữa, thị trấn Desaguadero lại là trung tâm của hoạt động này với những kẻ buôn lậu giấu thủy ngân trong ba lô, túi xách, vượt hồ Titicaca sang Peru.
Việc sử dụng thủy ngân để chiết tách vàng đã làm ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loại thủy sản, chưa kể thủy ngân còn đầu độc con người khi họ dùng những nguồn nước này trong sinh hoạt hoặc ăn những loài cá, tôm, ếch…, sống trong nguồn nước ấy.
VŨ CAO (Theo Latin America Today)