.

Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò của Công ước Luật Biển

Cập nhật: 19:47, 09/12/2022 (GMT+7)

Việc các nước ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) 40 năm trước đây là một bước đi quan trọng để điều hành và duy trì trật tự đối với đại dương - nguồn lợi chung to lớn của nhân loại. Đây là tuyên bố được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 9/12.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Phát biểu tại phiên họp của Đại hội Đồng Liên hợp quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông qua Công ước Luật Biển, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, đại dương là sự sống, là sinh kế và chất kết nối nhân loại với nhau trong suốt chiều dài lịch sử và các nền văn hóa.

Ông khẳng định, Công ước Luật Biển có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh đại dương đang trong tình trạng kêu cứu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc chỉ ra những thách thức ở thời điểm hiện tại. Đó là việc 35% sản lượng cá của thế giới hiện bị khai thác quá mức. Nước biển dâng cao khi khủng hoảng biến đổi khí hậu tiếp diễn, đại dương đang bị axit hóa và ô nhiễm.

Các rạn san hô bị bào mòn, những trận lụt lội kinh hoàng đe dọa các thành phố ven biển ở khắp nơi. Nhân công làm việc trong các ngành kinh tế biển không có được các điều kiện làm việc an toàn và mức hỗ trợ cần thiết.

Theo ông Antonio Guterres, thế giới cần đề ra tham vọng lớn hơn và dịp kỷ niệm 40 năm ra đời Công ước Luật Biển cần được coi là lời nhắc nhở quan trọng về việc tiếp tục sử dụng thiết chế thiết yếu này để giải quyết những thách thức hiện nay.

Các bên cần nhanh chóng thông qua Thỏa thuận giảm trợ cấp đánh bắt cá mới đạt được gần đây, bảo đảm rằng mọi chính sách đối với đại dương cần được khởi nguồn từ nền tảng khoa học tốt nhất cùng với kiến thức kinh tế, xã hội vượt trội.

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển được ký thông qua ngày 10/12/1982 với 107 quốc gia tham, trong đó có Việt Nam.

Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và trở thành một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ 20. Đến thời điểm này đã có 168 quốc gia phê chuẩn Công ước.

HOÀI THANH

.
.
.