.

Hậu COVID, thế giới sẵn sàng hơn trong ứng phó thảm họa

Cập nhật: 19:53, 26/12/2022 (GMT+7)

Ba năm sau khi ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, các chuyên gia cho biết công tác chuẩn bị để ngăn chặn đại dịch tiếp theo đã được đẩy mạnh, song chưa đủ để tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ.

Người dân xếp hàng chờ mua thuốc tại cửa hàng dược phẩm ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Người dân xếp hàng chờ mua thuốc tại cửa hàng dược phẩm ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đầu tháng 12, 194 quốc gia thành viên của WHO đã nhất trí mở ra các cuộc đàm phán vào tháng 2/2023 về dự thảo hiệp ước đại dịch nhằm ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa trong tương lai.

Tuần trước, Quỹ Đại dịch - do Ngân hàng Thế giới (WB) chủ trì và được G20 công bố vào tháng 11 - thông báo họ đang chuẩn bị cho vòng tài trợ đầu tiên với tổng số tiền cam kết là 1,6 tỷ USD tính đến nay.

Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) cũng đã theo đuổi một  kế hoạch đối phó kéo dài 5 năm với nguồn vốn 3,5 tỷ USD, trong đó có “Sứ mệnh 100 ngày”. Theo đó, CEPI đặt mục tiêu phát triển một loại vaccine mới chống lại “căn bệnh X” tiềm tàng trong vòng 100 ngày kể từ khi WHO xác định đó là một mối đe dọa đại dịch.

Giám đốc điều hành CEPI Richard Hatchett cho hay quỹ này vẫn còn thiếu khoảng 800 triệu USD so với mục tiêu tài trợ, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu không được lơ là trong việc chuẩn bị cho đại dịch mới, trong khi tập trung vào những cuộc khủng hoảng ngay trước mắt.

Kế hoạch trên cũng bao gồm việc kết nối các viện nghiên cứu khác nhau cùng tập trung chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo như BARDA của Mỹ, HERA của Liên minh châu Âu, SCARDA của Nhật Bản…

Ông Hatchett nói: “Tôi nghĩ rằng với sự phối hợp nhẹ nhàng, chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy mức độ chuẩn bị sẵn sàng trên toàn cầu rất nhanh chóng, đặc biệt là về mặt các biện pháp đối phó”. Một trong những biện pháp đối phó đó là nhanh chóng phát triển các loại thuốc mới để điều trị “căn bệnh X” có thể xuất hiện.

Hồi cuối tháng 8, doanh nhân gốc Canada Geoffrey Cumming đã quyên góp 170 triệu USD để thành lập một trung tâm ở TP.Melbourne của Australia nhằm hướng tới mục tiêu đó.

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Sharon Lewin, người sẽ lãnh đạo Trung tâm Điều trị Đại dịch Toàn cầu Cumming, khẳng định họ sẽ hướng tới việc phát triển các công nghệ nền tảng có thể được cập nhật nhanh chóng để nhắm mục tiêu các mầm bệnh mới, tương tự như quá trình sản xuất vaccine mRNA cho bệnh COVID-19.

Trong khi trung tâm Cumming vẫn đang tuyển dụng nhân sự, ông Lewin cho biết trung tâm này sẽ đi vào hoạt động dựa trên cơ sở khoa học trong vòng sáu tháng tới.

Tổ chức phi lợi nhuận FIND, liên minh toàn cầu về chẩn đoán, đã hợp tác với WHO để cung cấp các biện pháp xét nghiệm COVID-19 cho những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành FIND William Rodriguez cho biết vì CEPI đã không đạt được mục tiêu bổ sung quỹ vào đầu năm nay nên toàn bộ công cụ chẩn đoán của “Sứ mệnh 100 ngày” hiện không được tài trợ. Ông nói: “Tôi nhận thấy chúng ta vẫn chưa làm đủ để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo từ góc độ tài nguyên”.

WHO đang khẩn trương thu thập dữ liệu để cập nhật danh sách các mầm bệnh ưu tiên. Danh sách này sẽ liệt kê những “ứng cử viên” hàng đầu đối với loại virus có thể gây ra mối đe dọa đại dịch tiếp theo.

Virus corona và virus cúm vẫn sẽ là một trong những “nghi phạm” do có lịch sử bùng phát thành đại dịch. Các mối nguy hiểm khác còn có cả Ebola và Zika.

Bà Jennifer Nuzzo, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Đại dịch tại Đại học Brown (Mỹ) giải thích rằng mỗi loại virus kể trên chỉ cần một vài đột biến là có thể lây lan vượt quá giới hạn hiện tại của chúng. Một số mối đe dọa tiềm ẩn khác như marburg cùng các họ arenavirus và paramyxovirus cũng tiềm ẩm nguy cơ gây lây nhiễm bệnh mới chưa được biết đến từ động vật sang người.

Nhưng khi nói đến việc triển khai các loại vaccine trong tương lai, bà Nuzzo chia sẻ: “Điều khiến tôi lo lắng không phải là vấn đề khoa học mà là quá trình sản xuất”.

Giám đốc điều hành Hatchett của CEPI cho biết: “Thảm kịch của COVID-19, theo tôi, là vấn đề phân phối vaccine không đồng đều khi chúng có sẵn. Sự bất bình đẳng đó là nguyên nhân đã kéo dài đại dịch và có thể dẫn đến sự lan truyền của các biến thể”.

Tất cả các chuyên gia đóng góp ý kiến trong cuộc phỏng vấn của Reuters đều nhấn mạnh rằng đối với đại dịch tiếp theo, các khu vực như châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á và Trung Đông phải đạt được khả năng tiếp cận, sản xuất vaccine cũng như là phương pháp điều trị trong tương lai.

Bà Mohga Kamal-Yanni, làm việc tại tổ chức phi chính phủ Liên minh Vaccine của nhân dân, đã đánh giá những tuyên bố ban đầu của các nước giàu về dự thảo hiệp ước đại dịch là “cực kỳ đáng lo ngại.

Theo bà, bất kỳ hiệp ước đại dịch nào cũng cần cam kết tự động từ bỏ các quy tắc về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm thiết yếu để chống lại mối đe dọa y tế. Và nó nên quy dịnh bắt buộc việc chia sẻ công nghệ và bí quyết cần thiết cho các nước đang phát triển để tự sản xuất các công nghệ y tế.

HOÀNG TRANG

 

.
.
.