Đức, Pháp quyết tâm đưa lạm phát ở Eurozone trở lại mức 2%
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn truyền hình chung trên kênh Phoenix của Đức, ngày 4/12, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nỗ lực để kiểm soát tốc độ tăng giá cả phi mã hiện nay.
Biểu tượng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). |
Thống đốc Villeroy cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa lạm phát trở lại mức 2% vào cuối năm 2024 hoặc 2025. Đây không chỉ là một dự báo hay dự đoán. Đây là một cam kết”.
ECB đã tăng lãi suất vay 3 lần liên tục với gần 200 điểm cơ bản kể từ tháng 7/2022. Dự kiến, giới chức ngân hàng lớn nhất châu Âu này sẽ ban hành một đợt tăng lãi suất khác cũng như nhất trí về các phương thức giảm khoảng 5 ngàn tỷ euro (5,3 ngàn tỷ USD) trái phiếu tại cuộc họp chính sách sẽ diễn ra trong gần 2 tuần tới.
Trước đó, ECB xác nhận lộ trình tăng lãi suất vẫn chưa chấm dứt, cho rằng: “Với lần tăng lãi suất chính sách thứ 3 liên tiếp vào các tháng 7, 9 và 10, Hội đồng Thống đốc đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc rút dần các gói kích thích tiền tệ. Hội đồng Thống đốc dự kiến sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất để đảm bảo lạm phát kịp thời trở lại mục tiêu trung hạn 2%”.
Lãnh đạo Ngân hàng Đức khẳng định: “Chúng tôi sẽ có những dự báo mới cho năm 2023, 2024 và lần đầu tiên cho năm 2025. Đây sẽ là cơ sở cho quyết định tiếp theo của chúng tôi. Rõ ràng là việc tăng lãi suất phải tiếp tục”. Trong khi đó, trả lời câu hỏi về việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong bao lâu, ông Villeroy thậm chí còn nói: “Đến chừng nào cần thiết”.
Trong bối cảnh các chính phủ đang sử dụng hàng trăm tỷ euro để bảo vệ DN và các hộ gia đình nhằm giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng, một trong những yếu tố mà các ngân hàng trung ương cho rằng có thể làm suy yếu nỗ lực dập tắt lạm phát, ông Nagel và ông Villeroy kêu gọi sớm quay trở lại ngân sách cân bằng hơn. Ông Nagel khẳng định: “Một tình huống đặc biệt sẽ là đặc biệt, nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ kết thúc. Tín hiệu từ chính sách tài khóa rõ ràng phải là việc quay trở lại “phanh nợ” và tuân thủ các quy tắc tài khóa của châu Âu”.
Tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11/2022 đã giảm xuống mức 10%, thấp hơn mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận tháng trước. Đây là lần đầu tiên trong vòng 17 tháng, Eurozone ghi nhận lạm phát giảm. Tuy nhiên, mức lạm phát trên vẫn ở mức quá cao so với mức mục tiêu 2% của ECB đặt ra. Do đó, một số nhà hoạch định chính sách cho rằng ECB cần tăng mạnh lãi suất ngay cả khi lạm phát giảm để tránh thiệt hại do “vòng xoáy” giá cả và lương theo nhau tăng.
PHƯƠNG HOA