Cơn sốt "biển số đẹp" ở Hong Kong
Kể từ năm 1973, khi Bộ Giao thông vận tải Hong Kong cho phép cá nhân được quyền tự chọn biển số cho chiếc xe hơi của mình, đã có 15.968 biển số được bán thông qua 67 cuộc đấu giá, thu về 232,9 triệu USD, trong đó chiếc biển số chỉ có một chữ W đã được mua với giá 3.333.334 USD.
Biển số 9 của chiếc Roll Royce được mua với giá 1.666.666USD. |
1. Đi trên các đường phố ở Hong Kong, thật khó để không khỏi bật cười khi nhìn thấy một chiếc xe hơi với biển số “1 A.M FAT - 1 giờ sáng béo mập” hoặc “HEHEHAHA”, còn với nhiều xe khác, chủ nhân của nó chọn tên của những bộ phim đình đám làm biển số, chẳng hạn như “STARWARS - Chiến tranh giữa các vì sao”, “BATMAN - Người dơi”, “AVATAR - Ảnh biểu tượng”, “WALLE - Bức tường”…
Ông Zhao, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, trụ sở tại Hong Kong nói: “Từ lúc còn thanh niên, tôi đã rất thích ban nhạc huyền thoại Beattles, Anh quốc nên trong một dịp đấu giá biển số, tôi mua được chiếc biển “BEATTLES” với giá 370.000USD”. Bà Natalie Wong, người bỏ ra 80.000USD để sở hữu chiếc biển “DOREMON” cho biết bộ truyện tranh cùng tên do Nhật Bản phát hành đã làm say mê đứa cháu nội 12 tuổi của bà nên bà mua biển số này, tạo niềm vui cho cháu.
Và biển số này thì nó là chữ “Tốt - GOOD” nhưng chủ biển số có lẽ nói… cà lăm! |
Tương tự như vậy, ông Lee, chủ một hãng sản xuất đồ chơi cũng sẵn sàng trả 100.000USD để có được biển số “TOYS - Những đồ chơi” cho chiếc xe của ông, hay như người đại diện của Công ty Sony Nhật Bản ở Hong Kong hiện đang sử dụng một chiếc xe biển số SONY. Kỳ lạ hơn, có biển số mang ý nghĩa “giang hồ - GANGSTA” cũng được mua với giá 48.000USD còn với ông Andy Lau, ông sẵn sàng chi 40.000USD để có được bảng số “ANDY LAU” đúng với tên mình.
Tuy nhiên, biển số xe được xem là đắt nhất từ trước đến nay, chỉ với một chữ “W” đã bán với giá 3,33 triệu USD hồi năm 2021. Danh tính người mua và lý do tại sao người ấy lại chọn biển số này không được tiết lộ. Người ta chỉ biết biển số “W” được gắn vào chiếc xe hơi Lamborghini màu đen. Nó đã vượt qua kỷ lục được thiết lập hồi năm 2016 khi một người vô danh trả 18,1 triệu USD để sở hữu biển số “28”, phát âm theo tiếng Quảng Đông nghĩa là “phát tài, giàu có”. Một năm sau, một người khác cũng đã trả 13 triệu USD để có được chiếc biển số với duy nhất một chữ “V”.
Theo quan niệm của phần lớn người Trung Quốc, con số 6, 8 và 9 tượng trưng cho sự phát đạt, may mắn, trường tồn. Vì thế năm 1974, chiếc biển số “888 - Siêu may mắn” đã được bán với giá 20.000USD thì hiện nay, nhiều người sẵn sàng trả 20 triệu USD để có được nó. Và trong khi người phương Tây xem số 13 là xui xẻo thì ở Hong Kong, nó xếp thứ 9 trong số những biển số đắt tiền nhất.
Năm 2010, biển số 13 được bán 7,4 triệu USD. Theo nghiên cứu Travis Terence Chong và Xin Du tại Đại học Hong Kong, các biển số xe có ba chữ số, bao gồm hai số may mắn như số 8, 9 sẽ mang lại mức giá cao hơn 95%. Tương tự như vậy, những con số xui xẻo thì lại rất ít người chọn, chẳng hạn như số 4, số 7, đồng âm với từ “chết”, “thất bại”. Một biển số xe mà trong đó có số 4, 7 sẽ làm giảm giá đến 97% so với những biển không có hai số này.
2. Việc bán đấu giá biển số xe theo ý người mua bắt đầu từ năm 1973, khi Hong Kong còn là nhượng địa của người Anh và kéo dài đến tận ngày nay. Hiện tại, các phiên đấu giá thường diễn ra vào thứ Bảy và đôi khi vào Chủ nhật, mỗi tháng 2 lần. Người mua biển số tự đặt tên cho chiếc biển số theo ý thích nhưng nếu muốn sở hữu biển số ấy thì phải đấu giá nên có nhiều trường hợp, cái tên trong biển số do người này nghĩ ra nhưng chủ nhân của nó lại là người trả giá cao nhất. Nếu thắng, giấy đăng ký sẽ được cấp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đấu giá.
Chiếc xe có thể là chiếc hiện có của người mua, hoặc mua từ người khác sau cuộc đấu giá. Người mua cũng có thể đấu giá biển số rồi sau đó mới mua xe. Quy định của Bộ Giao thông vận tải Hong Kong không cho phép người mua chuyển nhượng biển số ấy cho xe của người khác nhưng nếu chủ nhân biển số có 2 chiếc xe thì việc tháo từ chiếc này lắp sang chiếc kia là hợp lệ.
Ông Tsi Wei, người sở hữu chiếc Ranger Rover biển số “I LOVE U - Anh yêu em” nói ông mua biển này hồi năm 2006 với giá 1,4 triệu USD: “Nếu tôi bán xe cho người khác thì biển số ấy sẽ không còn giá trị lưu hành. Tương tự như vậy, nếu tôi chết, con tôi hay vợ tôi cũng không được phép sử dụng nó. Nói tóm lại “I LOVE U” chỉ là của mình tôi”.
Vẫn theo ông Wei, để mua một biển số do chính mình nghĩ ra, người mua phải đặt cọc 1.000 đô la Hong Kong và đây cũng là số tiền khởi điểm để đấu giá. Ông nói: “Khi đấu giá “I LOVE U” rồi qua nhiều lần nâng giá, đã có người trả tới 1,2 triệu USD nhưng vì chữ “I LOVE YOU” là của tôi nên tôi quyết phải thắng. Nếu tôi thua vì có người trả 2 triệu USD chẳng hạn mà tôi không theo nổi, tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả cho tôi”.
Một cuộc đấu giá diễn ra hồi năm 2008 mà đỉnh điểm là biển số 28 đã được mua với giá 18.100.000USD nhưng người mua lại không phải là người nghĩ ra con số ấy mà là người trả giá cao nhất. Lúc kết thúc cuộc đấu giá, người nghĩ ra con số 28 ngậm ngùi: “Tôi đã dọn sẵn bàn tiệc để kẻ khác ăn”.
Tuy nhiên, ngày 1/7/1997 khi Hong Kong được người Anh trao trả cho Trung Quốc, một số từ trong biển tự chọn không được phép sử dụng mà cụ thề là những từ liên quan đến chính trị, chiến tranh hoặc thuần phong mỹ tục. Thí dụ như trước tháng 7/1997, các biển số như “F…K”, viết tắt của một tiếng chửi tục hoặc “VIV - có nghĩa là ngón tay thối, một hình thức xúc phạm người khác” vẫn được tự do đấu giá nhưng nay thì không.
Theo giáo sư Hui Shi, giảng dạy Khoa kinh tế chính trị, Đại học Bắc Kinh thì nói chung, người Trung Quốc khá mê tín khi nói đến biển số xe, nhất là với những người giàu. Hơn nữa họ cũng muốn cái biển số của họ “không đụng hàng” với bất kỳ ai.
Các kết hợp số bao gồm 6, 8, 9 thường tạo ra từ đồng âm cho các cụm từ liên quan đến may mắn, phúc lộc nên đôi khi có những biển số bán với giá cao hơn nhiều so với tiền mua xe. Chả thế mà một tài xế taxi ở Bắc Kinh đã bỏ ra 174.000USD để mua biển số 232 (âm đọc 3 số này có nghĩa là “kinh doanh dễ dàng”) trong lúc chiếc taxi của anh ta chỉ là 21.000USD! Chẳng ai biết tài xế ấy có khá lên hay không sau khi sở hữu chiếc biển số nhưng ngày ngày, người ta vẫn thấy anh khi thì lăn bánh trên đường, khi thì đậu trước một siêu thị hay nhà hàng nào đó, chờ khách đặt xe.
Giáo sư Shi nói: “Thế nên bạn đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc xe hơi ở Hong Kong với những biển số xem ra rất lập dị: “DD MM YY - viết tắt của ngày, tháng, năm trong tiếng Anh”, hoặc “AY”, hoặc “HC” mà chỉ chủ nhân của nó mới hiểu. Bạn cũng đừng thắc mắc khi nhìn thấy một biển số với hai số 0 còn ở giữa là chữ V (0V0). Ở Hong Kong nó là biểu tượng của “mặt cười”, nghĩa là rất vui vẻ. Họ vui vì cái biển số ấy thì cứ để cho họ vui thôi mà…”.
VŨ CAO
(Theo Economist)