Đức nhất trí những điểm chính về luật nhập cư mới
Ngày 1/12, nội các Chính phủ Liên bang Đức đã nhất trí thông qua các điểm chính trong dự thảo luật nhập cư mới, dự kiến ban hành trong năm 2023.
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ôtô của hãng Porsche ở Stuttgart, Đức. |
Luật nhập cư mới sẽ cho phép những người lao động có tay nghề được vào Đức dễ dàng hơn hiện tại. Điều này áp dụng cho cả những người đã có hợp đồng lao động cũng như những người chưa có hợp đồng lao động tại Đức.
Trên cơ sở hệ thống tính điểm, những người lao động có tay nghề nhưng chưa có hợp đồng lao động được phép nhập cư nếu họ đạt một số tiêu chí lựa chọn như kỹ năng ngôn ngữ, trình độ đào tạo hoặc kinh nghiệm chuyên môn.
Quy định mới cũng sẽ áp dụng đối với sinh viên và người nước ngoài học nghề tại Đức.
Phát biểu sau khi nội các thông qua những điểm chính trong dự thảo luật mới, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser khẳng định, dự thảo luật mới chắc chắn sẽ có những đóng góp thực sự cho việc bảo đảm sự thịnh vượng của đất nước.
Bộ trưởng Lao động và Xã hội Hubertus Heil cho biết, mục tiêu của chính phủ là xây dựng luật nhập cư hiện đại nhất châu Âu, vì Đức phải cạnh tranh với nhiều quốc gia để có được "những bộ óc thông minh".
Bộ trưởng Heil bày tỏ hy vọng dự luật mới sẽ mang lại sự thành công trên thị trường lao động chậm nhất là vào năm 2025.
Thiếu lao động có trình độ và tay nghề ngày càng trở thành vấn đề lớn của nền kinh tế Đức. Do đó, việc xây dựng luật nhập cư mới, tạo điều kiện tối đa cho những người lao động nhập cư, trở thành yêu cầu cấp bách.
Sau khi nội các thông qua các điểm chính của luật nhập cư mới, các doanh nghiệp và xã hội đã có những phản hồi tích cực.
Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) hoan nghênh đồng thời kêu gọi cần làm nhiều hơn nữa để thu hút nhiều lao động trình độ cao.
Cơ quan Việc làm liên bang Đức (BA) dự báo cho tới năm 2035, Đức sẽ giảm 7 triệu lao động. Con số này cần phải được bù đắp từ các nguồn trong và ngoài nước.
Nếu chỉ riêng nguồn lao động trong nước sẽ không thể lấp đầy sự thiếu hụt này, do đó cần tăng cường tuyển dụng nguồn lao động từ nước ngoài để nền kinh tế tiếp tục hoạt động tốt.
VŨ TÙNG