Núi lửa lớn nhất thế giới phun dung nham cao tới 60m

Thứ Tư, 30/11/2022, 18:46 [GMT+7]
In bài này
.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ngày 29/11 cho biết núi lửa Mauna Loa ở Hawaii đã phun dòng dung nham cao tới 60m vào không trung, tạo thành các dòng dung nham nóng chảy từ ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất thế giới này.

Trong báo cáo cập nhật, USGS ước tính độ cao nhất của dòng dung nham đạt từ 30-60m. Có thể nhìn thấy một chùm khí được phun ra từ các khe nứt của núi lửa và dòng dung nham, chủ yếu được thổi về hướng Tây Bắc.

Theo USGS, dung nham được phun ra từ các khe nứt. Dòng dung nham dài nhất và lớn nhất đã lan tới vị trí cách đường Saddle - tuyến đường chính nằm dưới chân sườn núi phía Bắc, khoảng 10km. Cơ quan này cho biết khe nứt mới nhất đã phun ra dòng dung nham cao tới gần 10m vào không khí.

USGS cảnh báo có thể xuất hiện thêm các khe nứt dọc Khu vực Northeast Rift, dưới các khe nứt hiện có. Do đó, các dòng dung nham có thể tiếp tục chảy xuống dốc núi.

Theo các nhà địa chất Mỹ, hiện không có mối đe dọa nào đối với con người và tài sản ở khu vực gần núi lửa Mauna Loa. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng gió có thể thổi tro bụi xuống chân núi cũng như gây ra hiện tượng mang tên “tóc núi lửa” (Pele’s hair). Đây là hiện tượng các sợi thủy tinh núi lửa rất nhỏ mịn được hình thành khi nham thạch nóng chảy bị ném vào không khí trong quá trình phun trào. Tóc núi lửa có thể gây kích ứng da, mắt và đường hô hấp.

Ngày 28/11, núi lửa Mauna Loa ở Hawaii đã bắt đầu phun trào lần đầu tiên sau 40 năm. Theo USGS, vụ phun trào bắt đầu từ đêm 27/11, ban đầu diễn ra từ trong miệng núi lửa và dung nham dần trào ra từ các khe nứt bên cạnh miệng núi lửa.

Là một trong 6 núi lửa đang hoạt động trên quần đảo Hawaii, Mauna Loa đã phun trào 33 lần kể từ năm 1843. Đợt phun trào gần đây nhất diễn ra vào năm 1984, kéo dài 22 ngày và tạo ra dòng dung nham chảy dài tới 7km.

MINH CHÂU

;
.