Sáng 14/11, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đức đã rời Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 14/11.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz trước khi bước vào hội đàm. Ảnh: LÂM KHÁNH |
Trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có nhiều hoạt động quan trọng như: hội đàm, gặp gỡ báo chí, chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dự Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam - Đức, chiêu đãi chính thức.
Tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến chào xã giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz; nhấn mạnh, chuyến thăm là dấu mốc quan trọng của quan hệ hai nước, diễn ra sau hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011, khi hai nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương và đề nghị hai bên duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian tiếp Đoàn, cũng như sự đón tiếp trọng thị của Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam dành cho Đoàn. Chúc mừng những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong phát triển đất nước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, Đức coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt Nam, cũng như coi trọng vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, trong đó có vai trò của Việt Nam tại ASEAN.
Tại hội đàm diễn ra chiều 13/11, trong không khí tin cậy và thẳng thắn, hai Thủ tướng đã trao đổi toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, mặc dù tác động của đại dịch. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên, đầu tư - thương mại tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á... Ngay trước và trong thời gian chuyến thăm của Thủ tướng Đức, các cơ quan hai bên đã ký 3 văn kiện hợp tác về quốc phòng, chuyển đổi năng lượng và lao động, đào tạo nghề, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cả hai nước mở rộng và làm sâu sắc khuôn khổ Đối tác chiến lược.
Hai Thủ tướng đã thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn để đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Về kinh tế - thương mại, hai nhà Lãnh đạo khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội Đức sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng chiến lược; thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam; tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường Đức.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, y tế - giáo dục, đào tạo nghề và lao động, cũng như đẩy mạnh phối hợp cùng giải quyết các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó thúc đẩy hợp tác về phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với G7 để các bên sớm nhất trí về Tuyên bố chính trị về Cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích.
Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, khẳng định hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, nhất là thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Đức và EU cũng như hợp tác trong khuôn khổ ASEM, Liên hợp quốc…; tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đồng chủ trì Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam - Đức.
Tại đây, hai Thủ tướng cùng nhận định, kết quả hợp tác kinh tế giữa hai bên là đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng với tình hình thế giới có nhiều thay đổi, dư địa hợp tác giữa hai nước là rất lớn với nhiều nhân tố thuận lợi.
THU PHƯƠNG