Kinh hoàng những "trại phù thủy" ở Ghana

Thứ Sáu, 04/11/2022, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

Bước vào thế kỷ 21, khi nhân loại đã đạt được những tiến bộ phi thường về khoa học kỹ thuật thì ở một số nơi trên thế giới, người ta vẫn tin rằng có phù thủy, chẳng hạn như tại Ghana. Quốc gia châu Phi này có hàng trăm khu trại chuyên dùng để giam giữ, cách ly những người bị nghi là phù thủy với những điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt…

Mẹ con bà Nanumba ở trại phù thủy.
Mẹ con bà Nanumba ở trại phù thủy.

Có lẽ suốt đời, bà Nanumba không bao giờ quên được buổi sáng ngày 24/9/2009, khi bà bị những người thuộc Đội chống phù thủy ở làng Oti xông vào nhà rồi cưỡng bách bà cùng đứa con gái 2 tuổi phải đi theo họ. Trả lời Michele Eken, tình nguyện viên của Tổ chức ân xá quốc tế Tây Phi, bà Nanumba nói: “Hai ngày trước đó, tôi sang thăm ông hàng xóm Kumasi bị ốm. Chiều hôm sau ông ấy chết và tôi bị nghi ngờ là phù thủy, đã dùng phép thuật để hãm hại ông…”.

Trại phù thủy nơi mẹ con bà Nanumba bị đưa vào nằm cách làng Oti khoảng 60km về phía Bắc. Có khoảng 30 căn nhà vách đất, nền đất, mái lợp lá dừa là nơi ở của 72 “phù thủy”, trong đó 21 người là những đứa trẻ dưới 12 tuổi bị buộc phải đi theo mẹ chúng. Trại không có điện, không trường học, không trạm y tế còn nước sinh hoạt là một cái giếng. Mặc dù trại nằm gần con sông Agbadwa nhưng họ không được phép đến đó vì những người quản lý trại tin rằng họ sẽ dùng phép thuật để đầu độc nguồn nước, giết sạch tôm cá, làm hại cộng đồng cư dân sống ở hạ lưu.

Phong trào săn phù thủy ở Ghana đã có từ hàng trăm năm trước nhưng nó chỉ bùng phát công khai khi ông Gambia Yahya Jammeh trở thành tổng thống Ghana. Vốn là người có niềm tin sâu sắc vào những thế lực siêu nhiên nên ông đã ra lệnh thành lập những đội săn phù thủy do nhà nước bảo trợ, hoạt động trên khắp đất nước. Chiến dịch săn phù thủy kéo dài từ năm 2008 cho đến 2017, khi ông Gambia Yahya Jammeh rời bỏ quyền lực.

Theo Ủy ban nhân quyền LHQ, trong thời gian này đã có khoảng 10.000 người bị bắt và bị đưa vào những trại phù thủy, hầu hết là phụ nữ lớn tuổi. Tất cả đều bị buộc phải uống những loại thuốc được pha chế từ nhiều loại cây cỏ khác nhau với mục đích “loại bỏ tà thuật ra khỏi thân thể”, dẫn đến nhiều người bị ngộ độc hoặc chết.

Sau khi ông Gambia Yahya Jammeh thôi làm tổng thống, phong trào chống phù thủy tuy không còn được nhà nước bảo trợ nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động. Bà Yaanaa, 69 tuổi, bị đưa vào trại phù thủy Kotoka năm 2016 nói với các tình nguyện viên của Tổ chức ân xá quốc tế Tây Phi: “Trong mấy ngày đầu tiên, ngày nào tôi cũng bị đánh. Thức ăn cho tôi chỉ là vài củ khoai lang. Sau đó tôi bị buộc phải uống thuốc trừ tà. Bây giờ người tôi phù lên, đi không nổi nữa”.

Tình nguyện viên Michele Eken cho biết việc buộc tội ai đó là phù thủy rất đơn giản, chỉ dựa vào những điều không may xảy ra, chẳng hạn như trong làng có người ốm nặng, chết. Ngay cả khi những con gia súc chết vì dịch bệnh hoặc một căn nhà bốc cháy do bất cẩn khi nấu nướng, người ta vẫn cho là có bàn tay của phù thủy, thậm chí phù thủy còn bị buộc tội bởi chính những người thân trong gia đình.

Để giúp đỡ những “phù thủy”, các tình nguyện viên của Tổ chức ân xá quốc tế Tây Phi cử người đến các trại, giúp họ thức ăn, nước sạch, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết như vệ sinh cơ bản cùng cách phòng tránh những bệnh tật phổ biến như sốt rét, lao, thương hàn và HIV nhưng không phải lúc nào công việc của họ cũng suôn sẻ.

Nhiều trại phù thủy cấm cửa không cho họ vào. Baako Alhassan, điều phối viên dự án Tổ chức từ thiện toàn cầu, hoạt động ở khu vực phía Bắc Ghana nói: “Hầu hết các cáo buộc dẫn đến việc cưỡng bách những phụ nữ phải vào trại là do thiếu kiến ​​thức khoa học cơ bản. Phần lớn người dân ở đây đều tin rằng chết là do sức mạnh siêu nhiên gây ra chứ không phải vì bệnh tật, đói ăn, tai nạn.

Lấy thí dụ một đứa trẻ được tiêm vắc-xin ngừa bại liệt rồi sau đó nó gặp phải những phản ứng phụ như sốt, đau…, thì họ kết luận đó là do phù thủy. Nếu một đứa trẻ bị tiêu chảy thì thay vì đưa nó đến trạm y tế, cha mẹ nó cho nó uống những loại cây, lá chưa được khoa học chứng minh về tính khả dụng. Bi đát nhất là nếu nó chết, phù thủy bị xem là nguyên nhân”.

Cho đến nay, hầu như chưa hề có bất kỳ một phụ nữ nào sống trong các trại phù thủy quay trở lại cộng đồng mặc dù chính phủ của Tổng thống Nana Akufo Addo thông báo sẽ đóng cửa các trại nhưng theo ông Igwe, một nhà xã hội học Ghana thì “những người bị kết tội phù thủy không thể tái hòa nhập cộng đồng bởi những thành kiến đã dành cho họ và chẳng ai chấp nhận trong làng lại có một hay nhiều phù thủy. Cũng đã có một số ra khỏi trại này nhưng thực tế là để sang trại khác. Bi kịch lớn nhất của họ là kể từ khi họ bị đưa vào trại, gia đình họ hầu như quên hẳn rằng họ vẫn còn tồn tại trong cuộc đời”.

Với những trẻ em bị buộc phải theo mẹ chúng vào trại phù thủy, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đang có những nỗ lực để đưa chúng trở lại cuộc sống bình thường bằng cách thiết lập trường học, trường dạy nghề, trạm y tế ngay trong những trại phù thủy, đồng thời cung cấp cho chúng những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng.

Ông Mossi, điều phố viên của UNICEF ở Ghana nói: “Cáo buộc phù thủy với ai đó là một hiện tượng hoang dã, có tính hủy diệt. Việc đóng cửa các trại không phải là giải pháp vì vấn đề nằm ở nhận thức xã hội. Nếu nhận thức ấy không thay đổi thì dù có đóng cửa các trại, những người ở trong đó sẽ đi đâu, hay sẽ lại hình hành những trại khác?”.

Vẫn theo ông Mossi, khác với đại dịch COVID-19 được sự quan tâm của cả nhân loại, còn với vấn đề “phù thủy” thì hầu hết lại thờ ơ vì nó không ảnh hưởng đến phương Tây, nạn nhân chủ yếu là người châu Phi chứ không phải người phương Tây.

Do đó việc chấm dứt cuộc đàn áp phù thủy ở châu Phi là “chưa cần thiết”. Ông Mossi nói: “Thế giới cần tiếp cận ngay lập tức các cuộc đàn áp những người bị cho là phù thủy ở châu Phi và phải chấm dứt nó. Đây là lập trường đã được LHQ và các tổ chức quốc tế khác khẳng định…”.

VŨ CAO (Theo Africa Today)

;
.