Châu Âu cần các tập đoàn công nghiệp tiết kiệm năng lượng, giữa bối cảnh chi phí năng lượng ngày càng tăng cao và nguồn cung thu hẹp. Dữ liệu mới đây cho thấy, lượng tiêu thụ cũng như nhu cầu khí đốt và điện tại châu Âu đều giảm trong quý III vừa qua.
Một cơ sở lọc dầu gần thị trấn Szazhalombatta, cách thủ đô Budapest (Hungary). |
Tuy nhiên, còn quá sớm để vui mừng. Sự sụt giảm này không hẳn vì các hãng công nghiệp đang tiết kiệm nhiên liệu, mà còn bởi họ phải đóng cửa các nhà máy mà có thể không bao giờ mở cửa trở lại.
Mặc dù việc sử dụng ít năng lượng hơn sẽ giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng gây ra bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, các giám đốc điều hành, các nhà kinh tế và lãnh đạo các nhóm ngành công nghiệp cảnh báo rằng các công ty công nghiệp có thể sẽ suy yếu nghiêm trọng nếu tình trạng giá năng lượng cao kéo dài.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như nhôm, phân bón và hóa chất có nguy cơ chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất vĩnh viễn sang các nơi có nhiều năng lượng giá rẻ, chẳng hạn như Mỹ.
Ngay cả khi tháng 10 năm nay ấm áp bất thường và những dự báo về một mùa Đông ôn hòa hơn đã giúp “hạ nhiệt” giá năng lượng, song giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ vẫn chỉ bằng khoảng 1/5 so với mức giá mà các công ty phải trả ở châu Âu.
Patrick Lammers, thành viên hội đồng quản trị của công ty điện E.ON, có trụ sở tại Essen, Đức, đã phát biểu tại một hội nghị ở London (Anh) vào tháng trước rằng: “Rất nhiều công ty đang ngừng sản xuất. Họ thực sự có nhu cầu dừng hẳn mọi hoạt động”. Ông Lammers nói thêm, điều đó có thể dẫn đến việc phi công nghiệp hóa nhanh chóng tại châu Âu.
Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 10 vừa qua đã ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 5/2020, báo hiệu châu Âu đang tiến tới một cuộc suy thoái.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu khí đốt công nghiệp của châu Âu trong quý III/2022 đã giảm 25% so với một năm trước đó. Các nhà phân tích cho rằng, việc ngừng hoạt động trên diện rộng là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này, bởi vì chỉ tăng cường các biện pháp tiết kiệm sẽ không tạo ra một kết quả như vậy.
Các nhà kinh tế cảnh báo khi thời tiết trở nên lạnh hơn và các hộ gia đình phải tăng cường sưởi ấm, ngành công nghiệp sẽ là ngành đầu tiên phải đối mặt với việc cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu trong trường hợp thiếu hụt.
Giới phân tích cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp châu Âu đã và đang dần chuyển hoạt động sản xuất sang những nơi có chi phí nhân công rẻ hơn và các chi phí khác thấp hơn, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy nhanh tiến trình di dời này.
Daniel Kral, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết: “Nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cao đến mức một phần của ngành công nghiệp châu Âu trở nên không thể cạnh tranh được, các nhà máy sẽ đóng cửa và chuyển đến Mỹ, nơi có nguồn năng lượng đá phiến giá rẻ dồi dào”.
Những nỗ lực của phương Tây nhằm bảo đảm nguồn cung không chỉ về năng lượng mà còn các loại khoáng sản quan trọng được sử dụng trong sản xuất xe điện và cơ sở hạ tầng tái tạo cũng đang gặp rủi ro do giá năng lượng cao.
Brussels dự kiến sẽ đề xuất luật mới vào đầu năm tới mang tên Đạo luật Nguyên liệu thô, nhằm xây dựng trữ lượng các khoáng sản không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chẳng hạn như lithium, bauxite, niken và đất hiếm.
Nhưng theo ông Emanuele Manigrassi, quản lý cấp cao về khí hậu và năng lượng tại European Aluminium, nếu không có thêm nhiều năng lượng tái tạo và chi phí sản xuất thấp hơn, các công ty khó có thể đầu tư vào châu Âu.
Hội đồng Công nghiệp Hóa chất Châu Âu (Cefic) cho biết, sự xói mòn của ngành công nghiệp đầy thách thức đang diễn ra tại châu Âu, nơi lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu ròng hóa chất trong năm nay.
Còn theo Hiệp hội Phân bón Quốc tế, hơn một nửa sản lượng amoniac của châu Âu, một thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón, đã bị mất và được thay thế bằng nhập khẩu.
Nhà sản xuất phân bón Na Uy Yara đã cắt giảm 2/3 sản lượng amoniac ở châu Âu và không có kế hoạch tăng cường sản lượng trở lại ngay lập tức.
Tuần trước, tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới BASF đã đặt câu hỏi về việc liệu có kế hoạch hoạt động nào đối với các nhà máy mới ở châu Âu hay không. BASF cũng đã cảnh báo rằng họ sẽ phải đóng cửa nhà máy sản xuất chính của họ tại Ludwigshafen nếu nguồn cung cấp khí đốt giảm xuống dưới một nửa nhu cầu của họ.
Các ngành công nghiệp của Đức đang muốn chính phủ nhanh chóng chấp thuận để chuyển từ khí đốt sang các nhiên liệu gây ô nhiễm hơn, cảnh báo rằng nếu không họ sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng để đáp ứng các mục tiêu tiết kiệm năng lượng của Đức.
MINH TRANG