Trong phiên giao dịch 1/11, giá dầu thế giới đi lên, nhờ tâm lý lạc quan rằng Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể mở cửa trở lại.
ẢNH: Cơ sở lọc dầu của Aramco ở gần al-Khurj, phía Nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. |
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng Một tăng 1,84 USD (2%) lên 94,65 USD/thùng, còn hợp đồng giao tháng 12/2022 giảm 1% xuống 94,83 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ New Yorks (WTI) tăng 1,84 USD (2,1%) lên 88,37 USD/thùng sau khi giảm 1,6% trong phiên trước.
Nhà phân tích Phil Flynn tại công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group nhận định thị trường đang phản ứng tích cực với triển vọng mở cửa của Trung Quốc sau khi có tin nước này đang xem xét nới lỏng chính sách “zero COVID”.
Trong tháng 10, giá dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức tăng hàng tháng đầu tiên kể từ tháng Năm, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh còn gọi là OPEC+, thông báo giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 11/2022.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM cho rằng nguồn cung dầu giảm, triển vọng Mỹ ngừng xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược và tăng trưởng nhu cầu dầu phục hồi có thể đưa giá dầu thô trở lại trên 100 USD/thùng.
Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais mới đây cảnh báo sự tụt hậu đầu tư vào dầu mỏ đang gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
Trong báo cáo Viễn cảnh dầu mỏ thế giới năm 2022 công bố ngày 31/10, OPEC dự kiến nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự báo được đưa ra năm ngoái.
TRÀ MY