Các cuộc khủng hoảng chồng chất trên toàn cầu đang gióng lên hồi chuông rằng, 54 quốc gia - nơi sinh sống của hơn 50% số người nghèo nhất thế giới - rất cần được xóa nợ.
Người dân nhận lương thực cứu trợ tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan. |
Nhận định này được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra trong báo cáo mới công bố ngày 11/10.
Trong báo cáo, UNDP cảnh báo rằng, hàng chục quốc gia đang phát triển phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ ngày càng sâu rộng và “nếu không hành động để khắc phục tình trạng này, hệ lụy sẽ rất lớn”.
Theo UNDP, nếu không có biện pháp cứu trợ ngay lập tức, ít nhất 54 quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến tình trạng nghèo đói gia tăng và “các khoản đầu tư tối cần thiết cho việc thích ứng và giảm thiểu tác động của khí hậu sẽ không mang lại hiệu quả”.
Báo cáo nêu rõ đây là điều đáng lo ngại, bởi lẽ các quốc gia bị ảnh hưởng lại chính là “những quốc gia thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu”, nhưng bất chấp những cảnh báo được nhắc đi nhắc lại, “cho đến nay rất ít các động thái được thực hiện, trong khi mức độ rủi ro ngày càng tăng lên”.
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc UNDP Achim Steiner nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng này đang gia tăng và có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng phát triển ảnh hưởng tới hàng chục quốc gia trên thế giới”.
Các nước nghèo đang phải đối mặt với nhiều sức ép kinh tế. Nhiều nước trong số này không thể thanh toán nợ hoặc tiếp cận nguồn tài chính mới.
Theo UNDP, những rắc rối về nợ đã âm ỉ ở nhiều quốc gia từ rất lâu trước khi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, “việc nợ tăng nhanh trong thập kỷ qua luôn bị đánh giá thấp”.
Việc tạm đình chỉ nghĩa vụ trả nợ được áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nước nghèo hiện đã hết hiệu lực.
Các cuộc đàm phán trong Khuôn khổ chung của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm mục đích giúp các nước mắc nợ tìm ra hướng đi để tái cấu trúc nghĩa vụ trả nợ đang diễn ra với tốc độ rất nhanh.
Theo dữ liệu mới nhất, 46 trong số 54 quốc gia có nợ công tích lũy tổng cộng 782 tỷ USD vào năm 2020. Riêng Argentina, Ukraine và Venezuela đã chiếm hơn 1/3 số tiền này.
Tình hình đang xấu đi nhanh chóng, khi 19 trong số các nước đang phát triển hiện đã đóng cửa thị trường cho vay - tăng 10 nước so với ghi nhận hồi đầu năm nay.
Phát biểu với báo giới, nhà kinh tế trưởng của UNDP - ông George Gray Molina cho biết, khoản nợ của 1/3 trong số các nền kinh tế đang phát triển đang được gắn nhãn “rủi ro đáng kể, cực kỳ đầu cơ hoặc vỡ nợ”.
Các quốc gia có nguy cơ cao nhất là Sri Lanka, Pakistan, Tunisia, Chad và Zambia.
Theo ông Gray Molina, các chủ nợ tư nhân cho đến nay vẫn là trở ngại lớn nhất để tiến tới việc tái cơ cấu cần thiết. Ông Molina nhấn mạnh: “Điều còn thiếu tại thời điểm hiện nay là sự đảm bảo tài chính từ các chính phủ là những chủ nợ lớn để có thể đạt được một thỏa thuận”.
Giám đốc UNDP Achim Steiner - người đã nhiều lần cảnh báo về cuộc khủng hoảng - bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế rốt cuộc sẽ nhận ra rằng hành động đó là vì lợi ích chung của mọi người.
Ông Steiner khẳng định: “Phòng ngừa sẽ tốt hơn là khắc phục và chắc chắn... sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều so với việc phải đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu”.
THANH PHƯƠNG