Những mảng tối sau thế chiến II

Thứ Sáu, 28/10/2022, 18:45 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng 5/1940, Đức Quốc xã xâm lược nước Pháp, một tháng sau đó, Pháp đầu hàng rồi chia thành hai khu vực. Miền Bắc do Đức kiểm soát còn miền Nam thuộc về Chính phủ Vichy do Thống chế Petain đứng đầu. Đến tháng 11/1942, Đức chiếm luôn miền Nam.

Những người đã lấy chồng hoặc là nhân tình của lính Đức bị cạo trọc đầu.
Những người đã lấy chồng hoặc là nhân tình của lính Đức bị cạo trọc đầu.

1. Sáu tháng kể từ khi Paris rơi vào tay quân đội Quốc xã thì Marie (tên đã được thay đổi) vừa tròn 19 tuổi. Trước đó, cô đang là sinh viên năm thứ nhất ngành sư phạm tại Đại học Nam Paris. Để có thể tiếp tục việc học, cũng như gia đình cô được nhận phiếu thực phẩm, Marie nhận lời làm nhân tình của một sĩ quan Quốc xã. Mặc dù thầy cô, bạn bè và hàng xóm chẳng ai nói ra nhưng tất cả đều nhìn cô với cặp mắt e dè.

Stephanie cũng thế. Cô cũng bị cộng đồng xa lánh mặc dù cô không chủ động trong việc lấy chồng Đức mà bị ép buộc. Theo lời Stephanie, sau khi Đức chiếm nước Pháp, cha cô vốn là một viên chức trong chính quyền Pháp chạy về miền Nam. Stephanie kể: “Một sáng, có 2 nhân viên an ninh Đức đến nhà hỏi về cha tôi. Mẹ tôi trả lời từ ngày ông ấy bỏ đi, gia đình chẳng còn nghe tin gì về ông ấy nữa”.

Năm 1956, như một phần của việc chuộc lại lỗi lầm vì đã chiếm đóng nước Pháp, chính phủ Tây Đức đồng ý cho tất cả những người lai Đức được nhập quốc tịch Đức, và được hưởng mọi quyền lợi như những công dân Đức chính hiệu nếu họ muốn. Về phía Pháp, quốc gia này cũng công nhận những phụ nữ đã lấy chồng lính Đức là những cuộc hôn nhân thật sự…

Vài ngày sau, một sĩ quan Đức xuất hiện. Tự giới thiệu mình là Carl Steiner nhưng lần này anh ta không đề cập về người cha của Stephanie mà chỉ hỏi hoàn cảnh sống của hai mẹ con. Tiếp theo, lúc thì Steiner mang cho Stephanie mấy ký bột mì, vài quả trứng, một ít bơ, có lúc là thịt, sữa, bánh…

Stephanie kể tiếp: “Một hôm, Steiner hỏi tôi có muốn lấy anh ta làm chồng không nhưng qua những lời lẽ bóng gió, tôi hiểu rằng nếu tôi không đồng ý thì cuộc sống và sinh mạng của mẹ con tôi sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói là nguy hiểm vì gia đình tôi có người theo kháng chiến”.

Marie và Stephanie chỉ là 2 trong số hơn 20.000 phụ nữ Pháp ở Paris buộc phải lấy chồng hoặc tự nguyện trở thành nhân tình của lính Đức và điều này được Bộ chỉ huy quân đội Đức ở Pháp đồng ý, thậm chí khuyến khích. Các tài liệu thu được sau ngày quân Mỹ và Đồng minh giải phóng nước Pháp năm 1944 cho thấy việc khuyến khích lính Đức lấy vợ hoặc có nhân tình người Pháp mang lại 2 lợi ích: Một là họ khó có thể phản bội, nhất là khi đã có con, hai là họ không dám ủng hộ phe kháng chiến và thậm chí nhiều trường hợp, họ còn trở thành điệp viên Đức, cung cấp tin tức về phe kháng chiến cho người Đức.

Theresa chẳng hạn, vốn là vũ công của hộp đêm Đôi giày Đỏ ở Paris. Khi quân Đức tiến vào, Đôi giày Đỏ vẫn được phép mở cửa làm nơi giải trí cho lính Đức. Trẻ, xinh gái, lại biết chút ít tiếng Đức, Theresa nhanh chóng trở thành ngôi sao và có nhiều mối quan hệ với các sĩ quan Đức.

Nắm được yếu tố này, một nhóm kháng chiến ở Paris cử người móc nối cô nhưng họ không ngờ rằng cô là nhân tình của một sĩ quan mật vụ Đức Gestapo. Vì thế, tất cả những tin tức mà Theresa cung cấp cho kháng chiến đều là tin giả còn ngược lại, những tin tức về nhóm kháng chiến mà cô cung cấp cho người tình của cô lại là tin thật.

Đỉnh điểm của việc này là khi 6 thành viên kháng chiến tổ chức ám sát người đứng đầu cơ quan an ninh Đức Quốc xã ở Paris rồi khi vào đến vị trí phục kích, tất cả đều bị Gestapo bắt và bị kết án tử hình.

Những người lấy chồng Đức bị lùa ra đường chỉ với quần áo lót để người dân sỉ nhục.
Những người lấy chồng Đức bị lùa ra đường chỉ với quần áo lót để người dân sỉ nhục.

2. Vài tháng sau ngày nước Pháp được quân Mỹ và Đồng minh giải phóng, số phận của những cô gái Pháp lấy chồng hoặc là nhân tình của lính Đức bắt đầu được “tính sổ”. Ngoại trừ những người đã từng gây thiệt hại cho các tổ chức kháng chiến phải ra tòa lĩnh án tù nhiều năm, thậm chí bị xử bắn, còn thì tất cả đều bị cạo trọc đầu, bị buộc phải mặc quần áo lót rồi lùa ra đường để người dân chứng kiến.

Marie kể: “Đám đông đứng thành hàng dài hai bên phố. Họ không đánh đập tôi nhưng họ nhổ nước bọt và chửi tôi thậm tệ”. Còn với Stepanie thì: “Một người đàn bà xông ra, bắt tôi quỳ xuống rồi bôi nhựa đường lên đầu tôi. Tiếp theo bà ta rắc lông vịt lên. Khi được cho về nhà, tôi phải mang cái đầu lông vịt suốt một quãng đường dài trong cái nhìn khinh bỉ của dân phố”.

Cũng sau khi thanh lọc những cô gái Pháp có quan hệ với lính Đức, cảnh sát Pháp còn phát hiện hơn 200.000 đứa trẻ là kết quả của mối tình chồng Đức, vợ Pháp. Suốt 4 năm sau đó, những đứa trẻ ấy không được đi học và thậm chí cũng không được hưởng những phúc lợi an sinh xã hội.

Trong suốt thời gian từ 1940 đến 1944, có hàng chục ngàn phụ nữ Pháp hoặc lấy chồng hoặc trở thành nhân tình của sĩ quan, binh lính Đức Quốc xã. Hậu quả là khi Đồng minh giải phóng nước Pháp, những phụ nữ này đã bị đối xử rất tàn tệ…

Madelene có đứa con trai lai Đức nói trong nghẹn ngào: “Con tôi bị lũ trẻ hàng xóm tẩy chay, thỉnh thoảng nó còn bị đánh. Trường học không nhận nó…”. Pierre cũng lai Đức, mới 4 tuổi nhưng đã được mẹ dặn phải che giấu thân phận mình dù cô đã dọn nhà từ Paris về Cote D’Azur. Khi có ai hỏi đến cha, Pierre chỉ ngập ngừng: “Cha chết”. Mãi đến năm 1948, Tổng thống Pháp De Gaule mới ban bố sắc lệnh cấm phân biệt đối xử nhưng nhiều đứa trẻ lai vẫn phải chịu sự ngược đãi và xa lánh suốt thời gian dài.

Theo nhà sử học Jean Belmondo, Đại học Ecole Normale Superieure de Lyon, đau xót nhất là những phụ nữ có chồng là lính trong quân đội Pháp, bị người Đức bắt vào trại tù binh sau những trận giao tranh. Cách duy nhất để có thể sống an toàn, tìm được tiền và thức ăn nuôi gia đình, con cái là trở thành nhân tình hoặc vợ lính Đức. Khi nước Pháp giải phóng, người chồng trở về và không thừa nhận đứa con lai. Nhiều gia đình tan vỡ cũng vì chuyện ấy. Riêng bản thân trẻ lai, nó cũng chẳng thể nào hòa hợp với những người anh em khác cha cùng mẹ.

Vẫn theo ông Jean Belmondo, nhiều trẻ khi lớn lên vẫn không biết nguồn gốc thật của mình vì mẹ họ đã qua đời. Rousseux chẳng hạn, mãi 17 tuổi anh mới tìm thấy cuốn nhật ký của mẹ và mới biết cha anh là người Đức. Sự thật ấy đã khiến anh sang Đức tìm cha ruột mình. Rousseux nói: “Mặc dù cha tôi cũng đã chết nhưng điều đáng buồn là những anh chị em cùng cha khác mẹ với tôi lại không nhìn nhận tôi. Họ nói rằng việc tôi xuất hiện đã phá vỡ sự bình lặng và lòng kính trọng đối với người cha của gia đình họ”.

VŨ CAO (Theo Warhistory)

;
.