Nằm trong thung lũng Iya, (đảo Shikoku thuộc tỉnh Tokushima, Nhật Bản), Nagoro là ngôi làng nhỏ, trước đây có khoảng 450 cư dân nhưng phần lớn thanh niên nam nữ khi trưởng thành đều chọn những thành phố lớn làm nơi khởi nghiệp.
Bà Tsukimi Ayano làm một con búp bê mới. |
Trước cảnh hoang vắng, một cụ bà trong làng là Tsukimi Ayano đã tự tay làm 350 con búp bê với kích thước y như người thật rồi sắp đặt ở nhiều vị trí. Điều này đã khiến làng Nagoro trở nên nổi tiếng…
Năm 2002, sau hơn 30 năm làm việc ở TP.Osaka, bà Tsukimi Ayano, lúc ấy 55 tuổi trở về làng Nagoro, nơi chôn nhau cắt rốn. Trả lời tạp chí du lịch Traveller, bà nói: “Quang cảnh hoang vắng đến rợn người. Cả làng chỉ còn khoảng 60 người, tất cả đã già. Lớp trẻ lớn lên đều chuyển ra những thành phố lớn để tiếp tục học hành rồi khi tìm được việc làm, chúng ở luôn tại đó”.
Thế rồi trong những ngày cô đơn quạnh quẽ, bà Tsukimi Ayano nảy ra một ý định. Bằng những bộ quần áo cũ, những mảnh vải dư thừa, bà bắt đầu làm những con búp bê với kích thước y như người thật. Bà nói: “Tôi hình dung lại những gì tôi đã nhìn thấy trước khi đi Osaka. Con đường ngang cửa nhà tôi là nơi mỗi buổi chiều, ông bà Ono vẫn thường đẩy chiếc xe chở củi còn ngã tư sau lưng là một trường học. Tôi cố gắng tái dựng lại những hình ảnh ấy để làm niềm vui cho những người còn ở lại, rằng làng mình vẫn như xưa”.
3 con búp bê đầu tiên là hình tượng của cha, mẹ và chú bà Tsukimi Ayano. |
Khoảng 3 tháng sau, bà Tsukimi Ayano đưa ra tác phẩm đầu tiên. Đó là một cặp vợ chồng già ngồi trên chiếc ghế đá, trước những bụi hoa. Bà nói: “Đó chính là cha mẹ tôi còn người đứng sau lưng đang cắt tỉa cành cây là chú tôi”.
Những con búp bê của bà Tsukimi Ayano đã gây ra sự ngạc nhiên lẫn thích thú cho cả dân làng. Vì vậy họ không chỉ quyên góp quần áo cũ, vải vụn cho bà mà nhiều người còn phụ giúp bà. Chỉ khoảng 2 năm, làng Nagoro như đã sống lại với những búp bê nông dân làm việc trên đồng ruộng, câu cá ở bờ sông, nấu ăn trong bếp hoặc may vá, thêu thùa. Trong một lớp học, hàng chục học sinh với sách vở trước mặt, với phấn trắng bảng đen cùng thầy giáo còn dưới bóng cây, có đôi tình nhân đang tâm sự… Tất cả đều là búp bê!
Tuy nhiên lúc ấy, rất ít người biết về sự kỳ lạ của ngôi làng này. Mãi đến khi phóng viên Stevenson của tạp chí du lịch Traveller tình cờ qua làng Nagoro rồi bất ngờ nhìn thấy những con búp bê được sắp đặt ở mọi con đường trong làng nên sau khi tìm hiểu và khi gặp bà Tsukimi Ayano, bộ ảnh phóng sự của Stevenson đã nhanh chóng biến làng Nagoro trở nên nổi tiếng, không chỉ ở nước Nhật mà còn với thế giới. Chỉ một thời gian ngắn, khách du lịch lũ lượt tìm về làng Nagoro để chiêm ngưỡng 350 con búp bê khiến nhiều gia đình trong làng biến nhà của họ thành những “homestay” cho khách lưu trú. Chưa hết, để thu hút khách, hội đồng làng Nagoro còn tổ chức một lễ hội mang tên “Scarecrow Festival - Lễ hội bù nhìn” diễn ra vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 10 hàng năm. Bà Tsukimi Ayano nói: “Đó chính là ngày tôi đặt 2 con búp bê - là hình tượng của cha mẹ tôi trước nhà tôi”.
Lớp học búp bê. |
Hiện tại, các con của bà Tsukimi Ayano đều ở TP.Osaka. Khi được hỏi liệu mai này lúc sức khỏe đã kém, bà có ý định về sống với chúng không thì bà lắc đầu. Bên cạnh đó, bà Tsukimi Ayano còn cho biết bà sẽ không làm thêm một con búp bê nào nữa nếu trong làng chưa có ai qua đời: “Hồi đó, lúc tôi đi Osaka, dân làng chỉ có chừng đó. Sau hơn 20 năm, một số người đã chết nhưng số khác lớn tuổi lại quay về. Chỉ khi có người nào đó qua đời, tôi mới làm thêm búp bê mới. Tôi muốn làng tôi mãi mãi như xưa, không bao giờ thay đổi”.
Với khách du lịch, bên cạnh những người tỏ ra thích thú thì cũng không ít người cho rằng về đêm, làng Nagoro có vẻ ma quái. Catherine, khách du lịch người Anh nói về cảm giác của cô: “Dưới ánh đèn lồng chập chờn cộng với tiếng gió rì rào qua những răng cây, những con búp bê trở nên sống động khi quần áo của chúng phất phơ theo gió. Nó khiến tôi nhớ đến bộ phim kinh dị “Con búp bê giết người” nên thú thật là nếu không có bạn trai tôi đi bên cạnh, chắc tôi đã ngồi lì trong homestay rồi”.
Theo một viên chức tỉnh Tokushima, trước khi “làng búp bê” ra đời, họ không có ý định chỉnh trang lại Narogo vì nó không có vị trí trọng yếu về giao thông cũng như rất khó phát triển kinh tế vì nó nằm trong một thung lũng hẹp. Tuy nhiên, khi làng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với những con búp bê của bà Tsukimi Ayano thì “trách nhiệm của chúng tôi là sự bảo tồn…”.
VŨ CAO
(Theo Traveller)