LHQ hối thúc giải quyết các vấn đề "nhức nhối" của khu vực Sahel
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 22/9 đã kêu gọi đề ra các biện pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề “nhức nhối” của khu vực Sahel (châu Phi).
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (giữa) thăm trại tị nạn ở Ouallam, Niger ngày 3/5/2022. |
Phát biểu tại cuộc họp cấp cao của các nước thuộc khu vực Sahel bên lề Khóa họp 77 Đại hội đồng LHQ tại New York, ông Guterres nhận định cuộc khủng hoảng an ninh ở Sahel đã gây ra mối đe dọa trên toàn cầu.
Nếu không hành động, tác động của khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tội phạm có tổ chức sẽ vượt ra khỏi khu vực và lục địa châu Phi.
Theo Tổng Thư ký LHQ, cần phải có một bước đột phá mang tính quốc tế có sự phối hợp của tất cả các bên. LHQ sẵn sàng làm việc với các bên trên tinh thần khẩn trương và đoàn kết vì một Sahel hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Ông Guterres cho biết thêm tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị trong khu vực tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc.
Tại một số vùng, chính quyền đã hoàn toàn mất quyền tiếp cận với người dân. Các nhóm vũ trang vô chính phủ đang siết chặt sự kìm kẹp đối với khu vực và thậm chí đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của họ sang các quốc gia ở Vịnh Guinea.
Bên cạnh đó, bạo lực tràn lan gây thương vong cho hàng ngàn dân thường vô tội và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em đang phải chịu ảnh hưởng do an ninh bất ổn, bạo lực và sự bất bình đẳng.
Cũng theo ông Guterres, ngoài khủng hoảng an ninh, biến đổi khí hậu đang tiếp tục gây xói mòn đất và cạn kiệt nguồn nước, góp phần gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa nông dân và người chăn nuôi.
Trong bối cảnh toàn cầu đang bị khủng hoảng về năng lượng, thực phẩm và tài chính, khu vực Sahel lại bị đe dọa do một cuộc khủng hoảng nợ có khả năng gây ra hậu quả khắp châu lục.
Với tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một số nơi ở mức trên 75%, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực buộc phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ hơn là đầu tư vào các dịch vụ thiết yếu cho người dân.
Hơn nữa, với khả năng tài chính hạn chế, chính phủ các nước trong khu vực Sahel không thể theo đuổi sự phục hồi toàn diện hoặc đầu tư vào khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài.
Cũng tại diễn đàn Đại Hội đồng LHQ, cùng ngày Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud đã kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ nước này ngăn chặn nạn đói đang hoành hành và đánh bại chủ nghĩa khủng bố.
Phát biểu tại Khóa họp 77 Đại Hội đồng LHQ, ông Mohamud cho biết chính quyền Somalia đang nỗ lực không ngừng để chuyển sang một thời kỳ mới ổn định, tiến bộ và thịnh vượng sau hơn hai thập kỷ xung đột tàn khốc, hạn hán, đói kém và trì trệ.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực này, Somalia vẫn đang đối mặt với một số cuộc khủng hoảng phức tạp và ràng buộc chặt chẽ nhất trên thế giới.
Ông Mohamud cho biết thêm các cuộc khủng hoảng trên bao gồm cả hạn hán, đã đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở Somalia.
Tổng thống Mohamud kêu gọi các đối tác của Somalia làm mọi thứ có thể để giúp ngăn chặn nạn đói đang rình rập ở quốc gia này và cũng đang đe dọa cả vùng Sahel châu Phi.
Ông nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các đối tác chú ý đến lời kêu gọi của Somalia và hợp tác với chúng tôi để hỗ trợ ngay lập tức cho các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Về lâu dài, chúng ta phải hợp tác với nhau để đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng do khủng hoảng khí hậu bằng cách thực hiện cam kết đầu tư và tài trợ đầy đủ cho việc thích ứng với khí hậu ở các khu vực bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, bao gồm cả khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi”.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mohamud cho hay Somalia đang đối mặt với “thách thức dai dẳng và phức tạp” của chủ nghĩa khủng bố.
Ông cho rằng vấn nạn này cũng góp phần gây ra và làm trầm trọng thêm tất cả các cuộc khủng hoảng khác, bao gồm mất an ninh lương thực, người dân phải rời bỏ nhà cửa và biến đổi khí hậu.
HẠNH NGUYÊN