.

Số phận những nạn nhân của các đường dây buôn người ở Campuchia

Cập nhật: 19:09, 23/09/2022 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, sau việc 42 người Việt phải nhảy xuống sông Bình Ghi - là biên giới giữa tỉnh Kandal, Campuchia và tỉnh An Giang rồi bơi về lãnh thổ Việt Nam để thoát khỏi bọn buôn người thì trên tờ The Guardian, Anh Quốc, đã đăng một bài điều tra nói về số phận của những nạn nhân. Họ không chỉ là người Việt mà còn là người Thái Lan, Hong Kong, Myanmar, Brunei và Đài Loan…

Nạn nhân của các tổ chức buôn người được giải cứu.
Nạn nhân của các tổ chức buôn người được giải cứu.

1. Khi vào một trang web tìm việc làm hồi đầu tháng 4/2020, cô gái trẻ Yu Tang ở Đài Loan không bao giờ nghĩ rằng mình lại rơi vào tay bọn buôn người. Trả lời phỏng vấn của tờ The Guardian, Anh Quốc, Yu nói: “Vài ngày sau khi đăng nhập, có một lời mời gửi đến tôi, rằng nếu tôi đồng ý đi Campuchia, tôi sẽ nhận được việc làm với mức lương 2.500USD/ tháng, ăn ở miễn phí”.

Vẫn trong email gửi cho Yu, người tuyển dụng mô tả công việc là “hỗ trợ khách hàng qua điện thoại, mở tài khoản cho họ, thu và thanh toán tiền trực tuyến”. Thoạt đầu, Yu nghi ngờ vì một công việc quá đơn giản nhưng sao mức lương lại khá cao? Có vẻ như đoán được điều này, trong một email khác, nhà tuyển dụng tuyên bố” Chúng tôi sẽ mua vé máy bay khứ hồi cho bạn rồi qua thời gian thử việc, nếu thấy không phù hợp thì bạn có thể quay về”.

Vài ngày sau, Yu gặp kẻ tuyển dụng tại một quán cà phê ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Đó là một người đàn ông nhìn rất bình thường. Sau hơn 1 tiếng trao đổi, Yu đồng ý 3 ngày nữa sẽ đi Campuchia để nhận việc. Cô nói: “Khi ra sân bay, tôi thấy có khoảng chục người khác, cả phụ nữ lẫn nam giới cũng chờ để đi làm như tôi. Tất cả đều là dân Đài Loan”. Lúc đến Phnom Penh, Campuchia, một nhóm 4 người đàn ông ra đón họ mà theo lời Yu thì “nhìn như xã hội đen”. Họ yêu cầu tất cả phải nộp hộ chiếu để “làm thủ tục mua thẻ sim điện thoại Campuchia” nhưng cả tháng sau đó, thẻ sim không những đã chẳng có mà hộ chiếu cũng không được trả lại. Riêng chiếc điện thoại không thẻ sim, tất cả những liên lạc giữa Yu và bọn buôn người đã bị xóa hết.

Vẫn theo lời Yu, địa điểm làm việc của cô và những người khác là một sòng bài ở thành phố biển Sihanoukville, Campuchia. Tại đó, cô được lệnh dụ dỗ những bạn bè, người thân của cô ở Đài Loan tham gia cờ bạc trực tuyến. Cứ mỗi tuần, cô phải lôi kéo được ít nhất 1 người, nếu không sẽ bị bỏ đói và thậm chí bị đánh. Đến lúc ấy, Yu mới biết nếu muốn trở về Đài Loan, cô phải nộp cho “tổ chức” 5.700USD, gọi là “chi phí đưa cô sang Campuchia”.

2. Yu Tang chỉ là một trong nhiều nạn nhân của các tổ chức buôn người, hoạt động ở Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Brunei và Campuchia. Một con số do nhà chức trách Đài Loan công bố cho thấy gần 5.000 người Đài Loan đã đến Campuchia từ cuối năm 2021 và chưa thấy trở về. Theo cảnh sát Đài Loan, họ đã xác định được ít nhất 370 người bị giam giữ trong các sòng bạc khách sạn ở các tỉnh Sihanoukville, Svayrieng, Pailin…, Campuchia. Tại những nơi này, các tổ chức buôn người chia từng tầng khách sạn thành những khu riêng biệt, gọi là khu Đài Loan, khu Mayanmar, khu Thái Lan, khu Brunei… để giam giữ nạn nhân.

Theo Yu, trong khu của cô có ít nhất 50 người, cả nam lẫn nữ bị bắt buộc phải làm công việc lừa đảo. Yu nói: “Nếu tôi dụ dỗ 1 người tham gia cờ bạc trực tuyến thì thoạt đầu, họ luôn được cho thắng nhưng với số tiền nhỏ vì lúc mới chơi, chẳng ai dám đặt tiền nhiều. Tới hồi thấy mình thắng liên tục, máu tham nổi lên thì đó là lúc họ sa bẫy”. Bằng cách khai thác thông tin về tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng của con mồi với lý do “để dễ dàng thanh toán tiền thắng bạc” nhưng một hôm nào đó, con mồi sẽ thấy thẻ tín dụng của mình không còn một cắc!

Theo cảnh sát Đài Loan, việc giải cứu nạn nhân rất phức tạp vì đến nay, Đài Loan vẫn không có cơ quan ngoại giao ở Campuchia nên họ chỉ có thể áp dụng biện pháp tuần tra ở sân bay, cảnh báo những người đang chuẩn bị đi Campuchia và tuyên truyền bằng những tấm áp phích, nói về những thủ đoạn của buôn buôn người. Một sĩ quan cảnh sát cho biết mấy ngày gần đây, đã có người về lại được Đài Loan. Họ cho biết họ bị ép phải ký hợp đồng làm việc, bị đánh đập, bỏ đói nếu phản đối hoặc bỏ trốn, nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp.

Một số khách sạn biến thành nơi giam giữ những người bị lừa bán sang Campuchia.
Một số khách sạn biến thành nơi giam giữ những người bị lừa bán sang Campuchia.

3. Với Muang, một thiếu nữ 16 tuổi người Myanmar cũng bị lừa khi đăng nhập vào một video với lời mởi làm việc cùng mức lương hấp dẫn. Muang cho biết cô bị gia đình trách móc vì đã bỏ học nên cô muốn tự lập. Cuộc hành trình của Muang cùng 5 người khác từ Myanmar đến Campuchia bằng xe khách kéo dài gần nửa tháng. Tại điểm đến, cả 6 cô gái bị đưa vào một khu phức hợp ở thành phố Sihanoukville, Campuchia rồi bị giam trong một căn phòng. Suốt 1 tuần lễ, họ được huấn luyện cách lôi kéo người khác tham gia trò chơi trực tuyến qua mạng internet. Muang kể: “Những kẻ cầm đầu cung cấp cho chúng tôi một danh sách dài trên trang We Chat, Tik Tok, Instagram… Nhiệm vụ của chúng tôi là chọn 1 cái tên trong đó rồi bắt đầu bằng việc làm quen…”. Ching, 15 tuổi cùng đi với Muang đến Campuchia cho biết cô và một người nữa được bố trí làm việc trong một căn phòng với rất nhiều điện thoại và máy tính: “Chúng tôi có nhiệm vụ vừa giám sát lẫn nhau, vừa hỗ trợ để con mồi thêm tin tưởng”. Thỉnh thoảng, để khủng bố tâm lý, những kẻ canh gác lại cho các nạn nhân xem những video mà trong đó, chúng đánh những người bỏ trốn rất tàn bạo.

Theo Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu (GASO), thành lập bởi một phụ nữ Singapore sau khi cô trở thành nạn nhân của bọn buôn người thì chỉ riêng năm 2021, đã có khoảng 547 triệu USD rơi vào tay bọn buôn người và lừa đảo trực tuyến, tăng gần 80% so với năm 2020. Về phía Campuchia, cũng trong năm này, chính quyền đã tích cực trấn áp nạn buôn người và đã xử lý 359 trường hợp so với 155 trường hợp của năm 2020. Bà Chou Bun Eng, Phó chủ tịch thường trực của Ủy ban quốc gia về chống buôn người cho biết năm 2021, có 538 nghi phạm buôn người bị đưa ra tòa cùng với 1.577 nạn nhân đã được giải cứu, trong đó có 600 phụ nữ.

Bà Eng nói: “Điều này phản ánh rõ ràng những nỗ lực không ngừng của chúng tôi để bảo vệ và cứu mọi người khỏi mọi hình thức buôn bán người. Chính phủ chúng tôi cam kết xóa bỏ mọi hình thức buôn bán người, bóc lột lao động, lừa đảo và bóc lột tình dục”.

VŨ CAO (Theo The Guardian)

.
.
.