Mê Kông - Dòng sông đang chết

Thứ Sáu, 19/08/2022, 18:38 [GMT+7]
In bài này
.

Đã từng là một dòng sông mà từ 2010 trở về trước, Mê Kông cung cấp 2,3 triệu tấn cá mỗi năm, trở thành nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, bảo đảm thức ăn cho 70 triệu dân sống ở các vùng trong lưu vực. Thế nhưng hiện tại, con sông này đang chết vì 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, 22 đập ở Lào, chưa kể quốc gia này còn có kế hoạch xây thêm hơn chục đập nữa!

Hiện tại ở nhiều nơi, kết quả giăng lưới suốt đêm chỉ là 1 con!
Hiện tại ở nhiều nơi, kết quả giăng lưới suốt đêm chỉ là 1 con!

Nếu như từ năm 2010 trở về trước, hiện tượng ngư dân vùng đông bắc Thái Lan bỏ thuyền, bỏ lưới là chuyện lạ thì bây giờ, nó là việc bình thường bởi lẽ lượng cá ở sông Mê Kông chảy qua khu vực này chỉ còn khoảng 30%. Tiến sĩ Chainarong Settachua, Đại học Maha Sarakham, người đã nhiều năm nghiên cứu đời sống của cộng đồng ngư dân tỉnh Nong Khai và các tỉnh chung quanh, than thở: “Các đập thủy điện đã khiến sông Mê Kông của chúng ta đang chết dần. Không chỉ ngư nghiệp mà cả nông nghiệp. Sự bồi lắng phù sa trong mùa lũ đã giảm đi rất nhiều nên nông dân phải sử dụng phân bón để bổ sung, dẫn đến chi phí cao hơn trong lúc giá lúa lại tăng theo tỉ lệ nghịch”.

Vẫn theo Tiến sĩ Chainarong Settachua, ngư dân các tỉnh Chiang Khan và Nong Khai ngày càng cảm thấy kế sinh nhai của họ bị đe dọa nghiêm trọng. Ông Chaiwat Parakun, phó trưởng làng Ban Muang, tỉnh Nong Khai đồng thời cũng là ngư dân nói: “Có quá ít cá để đánh bắt. Hiện nay ở Ban Muang cứ 100 ngư dân thì chỉ còn 20 người làm nghề. Dọc theo bến sông, hàng trăm con thuyền bị bỏ mặc cho mưa nằng mà lý do chính là đập thủy điện Xayaburi ở Lào sau khi hoàn thành đã gây ra những tác động rất lớn. Nó khiến mực nước lên xuống thất thường, làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài cá…”.

Trước khi đập thủy điện Xayaburi khởi công, một con thuyền nhỏ của ngư dân Nong Khai mỗi ngày cũng có thể dễ dàng bắt được 10kg cá nhưng hiện tại, trung bình mỗi tuần 1 thuyền chỉ bắt được 3 đến 4kg và có nhiều tuần lễ liên tiếp, họ chẳng bắt được con nào. Tiến sĩ Chainarong Settachua nói: “Trước đây, cá là loại chất đạm rẻ tiền nhất đối với nhiều người ở tỉnh Loei và tỉnh Nong Khai nhưng bây giờ, dân cư hai nơi này cùng một số tỉnh khác phía đông bắc Thái Lan đang phải chịu cảnh khan hiếm cá, dẫn đến chế độ ăn uống nghèo nàn hơn”.

Trước năm 2020, ngay cả những chợ nhỏ ở hạ lưu sông Mekong cũng đầy ắp cá.
Trước năm 2020, ngay cả những chợ nhỏ ở hạ lưu sông Mekong cũng đầy ắp cá.

Đập Xayaburi với công suất 1.285 megawatt đã gây ra nhiều tranh cãi ngay từ khi nó mới chỉ là dự án cho đến khi hoàn thành vào năm 2019. Nó là con đập đầu tiên xây dựng ở hạ lưu sông Mekong, gây tác động nghiêm trọng đến nguồn nước và an ninh lương thực cho cả vùng Đông Bắc Thái Lan, Campuchia lẫn miền Nam Việt Nam. Nó được tài trợ bởi 4 ngân hàng lớn nhất Thái Lan và được thi công bởi tập đoàn CH Karnchang của Thái Lan, hay còn được gọi là CK Power  Lào. Khoảng 95% điện năng mà đập Xayaburi tạo ra được bán cho Thái Lan. Năm 2011, Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã cảnh báo dự án Xayaburi sẽ trở thành “một trong những con đập có khả năng phá hủy lớn nhất thế giới bởi tác động nghiêm trọng của nó đối với hàng chục triệu người làm nghề cá”. Và mặc dù CH Karnchang đã thực hiện một số sửa đổi thiết kế, chẳng hạn như bổ sung thêm các “bậc thang cá” và công nghệ xả cặn nhằm tạo ra hình ảnh về một con đập thân thiện với môi trường nhưng xem ra cũng chẳng cứu vãn gì được!

“Bậc thang cá” là một cấu trúc nhân tạo bao gồm một loạt các hồ với những bậc nhỏ được xây dựng gần đập thủy điện. Mục đích của nó là giúp cá có thể bơi hoặc nhảy lên dòng nước phía trên trong những đợt di cư bình thường hàng năm của chúng. Riêng với việc xả cặn, nó giúp ngăn chặn sự tích tụ của trầm tích có thể gây tắc nghẽn dòng chảy và có thể làm hỏng các tuabin của máy phát điện. Thế nhưng không chỉ có đập Xayaburi, Lào còn có các đập trên những phụ lưu của sông Mê Kông như đập Nam Ngum, đập Theun Hinboun, đập Xekaman và đập Xe Namnoy (bị vỡ đêm 23/7/2018 khiến nhiều ngôi làng ngập nặng, nhiều người chết và mất tích). Theo trang web của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, quốc gia này hiện có 22 đập thủy điện đang hoạt động, 22 đập đang xây dựng, trong đó đập Don Xahon - là đập thứ 2 nằm trên dòng chảy chính của sông Mê Kông cùng hàng chục dự án khác, chưa kể ở thượng nguồn phía Trung Quốc là 11 đập. Những con đập ấy không chỉ ảnh hưởng đến Lào, Thái Lan mà cả Campuchia lẫn Việt Nam.

Tại Biển Hồ Campuchia, nơi cung cấp hơn 70% lượng cá cho cả quốc gia thì năm 2020, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số cá đánh bắt được ở Biển Hồ chỉ còn khoảng 40%. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lượng cá khai thác tự nhiên còn thấp hơn nữa. Nhiều ngư dân ở Đồng Tháp, An Giang cho biết mùa nước nổi năm 2021, chỉ riêng lượng cá linh từ Campuchia đổ về đã giảm hẳn.

Về phía Ủy ban sông Mê Kông (MRC) gồm các quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, một khảo sát  năm 2019 cho thấy tác động của các con đập đã trực tiếp ngăn chặn sự di cư của cá, dẫn đến lượng thủy sản giảm sút khiến gần 50 triệu người phụ thuộc vào nghề cá ở hạ lưu sông Mê Kông hầu như thiếu kế sinh nhai. Theo Ban thư ký MRC, đã có sự suy giảm đáng kể về đa dạng sinh học cá tại các địa điểm ở tỉnh Xayaburi, Lào và tỉnh Loei, Thái Lan. Riêng với 2 con đập Pak Lay và Luang Prabang dự kiến sẽ được tiến hành xây dựng ở Lào trong năm nay, 3 quốc gia thuộc MRC là Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều kêu gọi đình chỉ mặc dù có ý kiến cho rằng lượng cá giảm sút không hẳn đã do thủy điện, mà còn do hạn hán, biến đổi khí hậu cùng nhiều nguyên nhân khác.

Tuy nhiên trong một bài báo, chuyên gia nổi tiếng Ian Cowx, Giám đốc Viện Thủy sản quốc tế, Đại học Hull, Anh Quốc, phản bác: “Trở ngại dài hạn lớn nhất đối với sự phục hồi của nghề cá không đến từ biến đổi khí hậu và hạn hán, mà là từ các con đập ở thượng nguồn”. Nhà hoạt động môi trường Channarong Wongla nói: “Chúng tôi từng có hơn 100 loài cá khác nhau trên đoạn sông Mê Kông chảy qua Thái Lan nhưng kể từ khi đập Xayaburi bắt đầu hoạt động, giờ chỉ còn lại 20 loài”. Phát biểu tại một diễn đàn do MRC tổ chức, chuyên gia thủy sản Simon Funge-Smith thuộc văn phòng khu vực của Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết nhiều con sông nhiệt đới trên thế giới đã mất đi một lượng thủy sản đáng kể mà nguyên nhân chính là đập thủy điện.

Ông nói: “Quá trình vận hành các đập thủy điện lớn trên thế giới đã chứng minh rằng nó phá hủy tính bền vững của  nghề cá. Chúng ta không thể loại bỏ thủy điện vì nó là năng lượng sạch nhưng điều này không có nghĩa là sạch cho môi trường rồi “sạch” luôn cả cá…”.

VŨ CAO (Theo World Wildlife)

;
.