Iran nêu yêu cầu, EU kêu gọi tránh "khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm"
Các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 phải đưa đến việc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran để đảm bảo các lợi ích kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Kỹ thuật viên làm việc bên trong một cơ sở hạt nhân ở Iran. |
Đây là khẳng định của Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran trong cuộc họp ngày 14/8 đánh giá về các vòng đàm phán mới đây tại Vienna, Áo.
Theo hãng thông tấn bán chính thức ISNA, người phát ngôn của Ủy ban trên, ông Abolfazl Amoui, nêu rõ ủy ban cho rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Iran phải được dỡ bỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển, giúp giới thương nhân thực hiện giao dịch với các quốc gia khác.
Ông cho biết Chính phủ Iran có trách nhiệm phải báo cáo Quốc hội liên quan đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Quốc hội sẽ đánh giá bản dự thảo các nội dung sẽ được thảo luận trong các vòng đàm phán tại Vienna.
Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã được Iran ký với các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga vào tháng 7/2015. Theo JCPOA, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Mới đây, vòng thương lượng thứ 8 về khôi phục JCPOA đã được nối lại tại khách sạn Palais Coburg ở Vienna ngày 4/8, lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay. Ngày 8/8, EU đã đưa ra văn bản cuối cùng tại các cuộc đàm phán và đang chờ quyết định của các bên tham gia.
Vào cuối tháng 6, Qatar đã tổ chức cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington với hy vọng đưa tiến trình đàm phán trở lại đúng hướng, song nỗ lực này vẫn chưa giúp đem lại bước đột phá.
Vào tháng 7, Đại diện cấp cao EU Borrell đã trình một dự thảo thỏa thuận nêu chi tiết việc dỡ bỏ trừng phạt cũng như các bước đi hạt nhân cần thiết để khôi phục thỏa thuận JCPOA và kêu gọi các bên chấp nhận văn kiện này nhằm tránh “cuộc khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm”.
HOÀNG CHÂU