Ipe - Loại gỗ đắt nhất thế giới đang bị tận diệt
Chỉ xuất hiện ở lưu vực sông Amazon, Brazil, cây Ipe cho loại gỗ đắt nhất thế giới. Trên thị trường, 1 mét khối gỗ Ipe có giá 3.775USD (khoảng 90 triệu đồng tiền Việt). 96% gỗ Ipe sử dụng trên thế giới được cung cấp từ Brazil. Chính vì vậy, các băng nhóm phá rừng ở Brazil ráo riết săn lùng loại gỗ này, dẫn đến cây Ipe ngày càng bị tận diệt.
Cây Ipe được vận chuyển về xưởng cưa xẻ. |
Theo Tổ chức quốc tế gỗ nhiệt đới, về mặt sinh học, cây Ipe thường mọc đơn độc, xen lẫn với nhưng loại cây khác và phải mất từ 80 đến 100 năm mới có thể có đường kính thân từ 1m trở lên. Gỗ Ipe chịu được mối, mọt, các loại nấm mốc và độ ẩm cao, lại rất khó cháy nên thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Canada…, rất ưa chuộng.
Nó thường dùng làm ván sàn, ván ốp tường, cầu thang, bậc tam cấp, bàn ghế hoặc trang trí nội thất cho những du thuyền xa hoa, sang trọng, thậm chí một chiếc máy bay phản lực của một ông vua dầu hỏa ở Trung Đông, bên trong lót bằng những tấm gỗ Ipe rất mỏng!
Vì đắt, gỗ Ipe là miếng mồi ngon của các băng nhóm phá rừng ở Brazil. Vẫn theo Tổ chức quốc tế gỗ nhiệt đới, rừng Brazil có 7 loại cây Ipe, trong đó loại rẻ nhất có giá 1.752USD/mét khối, đắt nhất là 3.775USD. Từ năm 2017 đến 2021, ít nhất 525 triệu mét khối gỗ Ipe đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Một báo cáo công bố ngày 18/7/2022 cho thấy nhiều dấu hiệu chứng tỏ cây Ipe đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ông Luciano Evaristo, giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường Brazil nói: “Nếu tính bình quân thì 1 héc ta rừng ở Brazil chỉ có 0,5 mét khối gỗ Ipe. Điều này có nghĩa là lâm tặc phải phá rừng để mở đường cho xe cẩu, thậm chí có những đoạn dài hơn 10km chỉ để cưa hạ 1 cây Ipe”.
Theo chân một nhóm lâm tặc, phóng viên trang tin “Mỹ Latin ngày nay - Latin America Today” viết về công việc khai thác gỗ như sau: “Đầu tiên, 2 hoặc 3 kẻ đi trước để tìm cây Ipe. Họ trang bị rất hiện đại, gồm máy định vị GPS, điện thoại vệ tinh, thức ăn, lều chống thấm nước. Mỗi chuyến đi có thể kéo dài cả tuần, thậm chí 10 hoặc 15 ngày. Khi phát hiện 1 cây Ipe, họ đánh dấu định vị nó rồi tiếp tục tìm kiếm những cây khác. Lúc đã tìm được 10 hoặc 15 cây với đường kính đủ để xẻ được vài chục mét khối, họ mới quay về”.
Một tấm gỗ Ipe được rao bán với giá 8.700USD. |
Dựa trên những thông tin này, băng nhóm phá rừng sẽ tính toán con đường phải mở để đưa xe cẩu vào. Nhằm tránh bị vệ tinh và lực lượng kiểm lâm phát hiện, chiều ngang con đường chỉ vừa lọt chiếc xe. Lợi dụng đặc tính mọc đơn độc, lâm tặc sử dụng xe cẩu có cánh tay thép, kẹp vào thân cây rồi khi cưa xong, cánh tay thép sẽ đỡ thân cây xuống đất nên không làm ngã đổ những cây lân cận khiến hình ảnh chụp từ vệ tinh rất khó để nhận biết. Cây sau khi hạ xong được xe cẩu vận chuyển ra bãi tập kết để xe tải đưa về nơi cắt xẻ. Sự “nhắm mắt làm ngơ” của một số nhân viên kiểm lâm dẫn đến lợi nhuận do gỗ Ipe mang lại rất lớn, đến nỗi đã xuất hiện thuật ngữ “Ipe mafias” để chỉ những băng nhóm lâm tặc hoạt động trong lưu vực sông Amazon.
Để có thể xuất khẩu, các băng nhóm “Ipe mafias” thông đồng với một số những công ty khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản hợp pháp, lập những bảng khảo sát “ma”, trong đó số lượng cây Ipe ở một khu vực nào đó được thổi phồng lên gấp hàng chục lần. Tiếp theo, “Ipe mafias” móc nối với một số viên chức kiểm lâm để chứng nhận được phép khai thác.
Hồi tháng 5, Chính phủ Brazil đã phải đối mặt với những cáo buộc rằng họ không chỉ làm ngơ trước nạn phá rừng bất hợp pháp ở Amazon mà còn tích cực tham gia vào hoạt động này. Bộ trưởng Bộ Môi trường đã bị điều tra và phải từ chức còn người đứng đầu Cơ quan bảo vệ môi trường (IBAMA) cũng bị đình chỉ chức vụ. Cả hai bị cáo buộc là đã giúp cho các công ty xuất khẩu khai thác gỗ từ Amazon nhiều hơn mức cho phép, trong đó có gỗ Ipe.
Hiện tại, việc khai thác gỗ Ipe vẫn đang diễn ra lặng lẽ nhưng ồ ạt ở phía bắc và phía tây bang Para, tây bắc Mato Grosso, bắc Rondonia và phía nam bang Amazonas. Diện tích rừng hiện có cây Ipe mà chính quyền liên bang Brazil cho phép chặt hạ là 2,5 triệu héc ta nhưng theo ước tính của Tổ chức quốc tế gỗ nhiệt đới, diện tích đang bị lâm tặc chặt hạ để lấy gỗ Ipe lên đến 16 triệu héc ta, lớn gấp 6 lần so với giấy phép.
Người phát ngôn của Tổ chức quốc tế Gỗ nhiệt đới nói: “Giá trị cao của gỗ Ipe đã khuyến khích việc khai thác gỗ bất hợp pháp, kéo theo các loại tội phạm khác”. Vẫn theo Tổ chức quốc tế gỗ nhiệt đới, nếu không có sự minh bạch và dữ liệu công khai, rất khó để phân biệt gỗ Ipe khai thác hợp pháp và bất hợp pháp xuất xứ từ 5 trong số 7 bang có lượng cây Ipe lớn nhất Brazil. Việc ngăn chặn sự tuyệt chủng của cây Ipe cần có những hành động cứng rắn hơn.
Ông Daniel Bentes, giám đốc Hiệp hội các công ty lâm nghiệp Brazil cho biết giấy phép chỉ cung cấp 2% sản lượng gỗ tự nhiên trong nước. Con số này rất ít nếu so sánh với tiềm năng của 35 triệu héc ta rừng bản địa. Như vậy, 98% sản lượng gỗ còn lại ở đâu ra nếu không muốn nói là từ việc cưa trộm. Ông Daniel Bentes nói: Giải quyết tình trạng này phụ thuộc vào việc đánh giá trữ lượng cây Ipe hiện có và sẽ có trong tương lai, ít nhất là 50 năm tới để lập kế hoạch khai thác hợp lý vì sự tăng trưởng của loài cây này rất chậm. Còn nếu việc quản lý vẫn theo cách điều hành như hiện nay thì các công ty khai thác, chế biến lâm sản, các cộng đồng bảo vệ rừng sẽ chẳng thể nào ngăn chặn hoạt động của “Ipe mafias”.
VŨ CAO
(Theo Latin America Today)