.

CƠN SỐT VÀNG CUỐI CÙNG TRÊN THẾ GIỚI - Kỳ 2: Giấc mơ tan vỡ

Cập nhật: 16:54, 05/08/2022 (GMT+7)

Giữa năm 1898, một thị trấn mới là Dawson mọc lên từ một dải đất đóng băng, nằm cạnh những bãi vàng. Ở đó, bên cạnh những căn nhà bằng gỗ tạm bợ thì còn cả ngàn chiếc lều của những người mới đến. Tất cả đều mang trong lòng một niềm tin vào sự giàu có vì tìm được vàng…

Đào lên là có vàng.
Đào lên là có vàng.

Ra đi tay trắng, trở về trắng tay

Với dân số lên đến 30.000 người, tất cả đều là dân đào vàng hoặc làm những dịch vụ có liên quan đến vàng, về đêm ánh sáng từ những ngọn đèn dầu, những đống lửa và những cây nến đã khiến thị trấn Dawson nhìn rất lung linh huyền ảo. Mọi giao dịch, mua bán đều thanh toán bằng vàng. Trong những quán rượu, những triệu phú tiêu xài hoang phí vào những cuộc vui suốt sáng với rượu wishky và gái mại dâm vì họ tìm thấy vàng. Tại những sòng bạc, có những “triệu phú vàng” như Jimmy McMahon thua mất 28.000 USD chỉ trong 1 đêm (tương đương 804.000USD hiện nay).

Một số người khác thay vì đào vàng, họ nhìn ra cơ hội kinh doanh hiếm có, chẳng hạn như Belinda Mulrooney ở bang Pennsylvania, Mỹ. Khi đến Yukon mùa xuân năm 1897, Belinda bán cái bình đựng nước nóng của cô với giá 200USD trong lúc tại Pennsylvania, cô mua nó chỉ 2USD. Nhận thấy đây là vận may có một không hai, Belinda thuê 6 thổ dân khiêng cáng, chèo thuyền đưa cô đến cảng Skagway rồi trả 300USD để được lên tàu đi ngay về Mỹ trong lúc bình thường, giá vé chỉ là 90USD. 6 tháng sau, Belinda bao hẳn một tàu chứa đầy đồ gia dụng rồi trở lại Yukon. Lợi nhuận thu được, Belinda biến nó thành một nhà hàng, một khách sạn và một đại lý thu mua vàng. Cô thành công đến nỗi người ta nói: “Belinda là phụ nữ giàu nhất Klondike”.

Tuy nhiên, Belinda Mulrooney chỉ là trường hợp cá biệt bởi lẽ năm 1898, những “cánh đồng vàng” đều đã có chủ. Những người đến sau hoặc phải đi làm thuê, hoặc trở lại Mỹ với hai bàn tay trắng. Trong cuốn “Đổ xô vào vàng ở Klondike”, Robret W. Service viết: “Rất nhiều người ở Dawson cảm thấy vô cùng thất vọng. Họ đã vượt hàng ngàn dặm trong một chuyến đi đầy nguy hiểm chỉ để khám phá ra rằng không có gì ở đây dành cho họ”. John Griffith Chaney, một trong những người đào vàng mà sau này trở thành nhà văn nổi tiếng Jack London với những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn lừng danh “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Sói biển”, “Nanh trắng”, “Ánh sáng ban ngày”, “Nhóm lửa”, “Tình yêu cuộc sống”…, lấy bối cảnh từ Klondike, chỉ trụ được ở “cánh đồng vàng” 1 năm rồi phải quay về Mỹ trong tình trạng tàn tạ vì bệnh “chân đen Canada” mà nguyên nhân do thiếu vitamin C, túi không có một hạt vàng nào.

Trong một cuốn tự truyện, Jack London viết: “Người ta xâu xé nhau, cướp bóc, giết hại lẫn nhau cũng vì vàng. Nếu bạn đào được một số vàng lớn, bạn không dám bán ngay vì rất có thể bạn sẽ chết. Bạn phải chọn cách mang nó đến ngân hàng để ký gởi nhưng con đường từ bãi đào đến ngân hàng chưa chắc đã an toàn…”. John Strike, từ người đào vàng trở thành kẻ săn thú lậu, chuyên bắn loài bò rừng hoang dã, xẻ thịt ướp muối bán cho các thợ đào khác, trong lúc say rượu đã vô tình tiết lộ rằng sau 2 năm, anh ta đã dành dụm được một số vàng từ việc bán thịt trị giá khoảng 1.600.000USD!

Tuy nhiên cuối năm 1898, gần hết mùa đông mà chẳng ai thấy mặt anh ta dù thời điểm ấy, thợ đào vàng rất cần thêm lương thực, và sẵn sàng trả giá cao. Có tin đồn rằng đi đâu Strike cũng kè kè cái túi đựng vàng trên lưng ngựa nên anh ta bị giết. Một tin đồn khác cho biết Strike bị thổ dân sát hại vì anh ta bắn quá nhiều bò trên lãnh thổ của họ. Lại có người khẳng định Strike đã quay về California, Mỹ, mua một nông trại rồi sống an nhàn nhưng tất cả những chuyện này chẳng ai kiểm chứng được!

Bán vàng ở thị trấn Dawson.
Bán vàng ở thị trấn Dawson.

Lụi tàn

Nguồn tài nguyên khoáng sản nào rồi cũng cạn kiệt nên cũng như tất cả những cơn sốt vàng đã xảy ra trước đó, “cánh đồng vàng” Klondike tàn lụi nhanh chóng như khi nó bắt đầu. Đến mùa hè năm 1899, có thông tin cho biết một số thợ mỏ đã tìm thấy rất nhiều vàng dọc theo bờ biển Nome, Alaska.

Ngay lập tức, một cuộc di cư ồ ạt từ Yukon đến miền đất hứa diễn ra chỉ trong 1 tuần. Thị trấn Dawson, nơi từng có dân số hơn 30.000 người chỉ còn lại không đến 8.000. Nhà sử học Pierre Berton sau này viết về thời kỳ bùng nổ “cơn sốt vàng” kéo dài 3 năm ở Yukon: “Cứ 100.000 người lên đường đến Yukon thì chỉ có khoảng 30.000 hoặc 40.000 tới đích, và cũng chỉ có khoảng 4.000 hoặc 5.000 người làm giàu nhờ vàng. 1/3 còn lại đủ sống hoặc tích lũy được chút ít. 2/3 kia trở về trắng tay với thân thể thương tích hoặc bệnh tật”.

Cuối năm 1899, đường dây điện báo kéo từ Skagway, Alaska đến thị trấn Dawson, cho phép thợ đào vàng liên lạc về Mỹ ngay tức thì. Trước đó, năm 1898, đường sắt White Pass và Yukon Route bắt đầu xây dựng rồi khi hoàn thành năm 1900, đường mòn Chilkoot không ai sử dụng nữa. Chưa hết, việc tìm thấy vàng ở Alaska đã khiến Dawson rơi vào cảnh lụi tàn. Những thợ đào vàng còn ở lại chỉ nhận được mức lương 100USD/tháng thay vì 1.800USD như trước kia vì các chủ mỏ lập luận đường xá thông thương, giá thực phẩm và các đồ dùng trong sinh hoạt đã giảm xuống 1/10 trong lúc vàng ngày càng khó kiếm.

Theo nhà sử học Pierre Berton, trong 3 năm xảy ra “cơn sốt vàng”, đã có một lượng vàng trị giá hơn 1 tỉ USD được tìm thấy ở Yukon. Nó tương đương với 24 tỉ USD hiện nay. Đến năm 1920, việc đào bới tự phát được thay bằng những công ty, trang bị máy móc thế cho sức người, kéo dài đến năm 1966.

Pierre Berton nói: “Sau này có nhiều cơn sốt vàng nữa, xảy ra ở Kenya, Angola, châu Phi, Peru, Nam Mỹ, Australia,  biển Bering giữa châu Á và Bắc Mỹ…, nhưng nó đều được khai thác bởi những tập đoàn lớn chứ không phải là tự phát, mạnh ai nấy đào nên những nhà sử học đều thống nhất rằng sự kiện Yukon là cơn sốt vàng cuối cùng trên thế giới…”.

VŨ CAO 

(Theo History - The Last gold fever in the World)

.
.
.