Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện tại 2 biến chủng Omicron BA.4 và BA.5 đã trở thành phổ biến trong các trường hợp nhiễm virus Corona ở quốc gia này. Nó đặt các nhà khoa học trước những thách thức về việc phát triển các loại vắc-xin mới trong bối cảnh những loại vắc-xin hiện có sau một thời gian tiêm chủng đã suy giảm khả năng bảo vệ.
Điều trị cho những bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến chủng BA.4 và BA.5 ở Nam Phi. |
Biến chủng BA.4 và BA.5 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi hồi tháng 1 và tháng 2 năm nay, nơi chúng nhanh chóng gây ra một làn sóng lây nhiễm rồi lan sang các quốc gia khác. Trước đó, các nhà khoa học Mỹ đã nhận thấy các biến chủng Omicron gồm BA.1, BA.2 có khả năng truyền bệnh rất nhanh. Họ gọi nó là “Omicron tàng hình” vì rất khó để nhận biết nhưng đến khi biến chủng BA.4 và BA.5 xuất hiện, nó “tàng hình còn hơn cả tàng hình”.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về cách BA.4 và BA.5 tiến hóa, rằng chúng đến từ các chủng Omicron trước đó, hoặc từ các nhánh của BA.2 nhưng các khảo sát cho thấy mặc dù chúng có những điểm tương đồng với các chủng Omicron nhưng BA.4 và BA.5 lại khác biệt do có sự đột biến ở 2 protein. Sự đột biến ấy đã khiến 2 biến thể BA.4, BA.5 dễ dàng thoát khỏi các kháng thể được tạo ra trong cơ thể người sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, hoặc các bệnh nhiễm trùng trước đó do các chủng virus khác. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học New England hồi tuần trước cho thấy 2 biến thế BA.4 và BA.5 có thể đã vô hiệu hóa kháng thể được tạo ra bởi những loại vắc-xin mà chúng ta vẫn đang sử dụng.
Vậy thì BA.4 và BA.5 sẽ gây ra những biến chứng gì nếu chúng ta bị nhiễm? Một nghiên cứu thực hiện bởi Kei Sato, nhà virus học tại Đại học Tokyo cho thấy khi tiến hành thí nghiệm trên loài chuột hamster, BA.4, BA.5 liên kết và phát triển nhanh hơn trong tế bào phổi, gây bệnh nặng cho chuột nhưng chưa có bằng chứng nào chứng tỏ nó sẽ xảy ra đối với con người. Nó đã được chứng minh bằng việc ở Nam Phi, số người tử vong do COVID-19 không tăng lên sau khi nhiễm BA.4, BA.5. Ở nước Anh, số ca nhập viện đã tăng lên do nhiễm BA.4, BA.5 nhưng số bệnh nhân cần can thiệp bằng tim phổi nhân tạo (ECMO) vẫn rất thấp.
Tại Trung Quốc, nơi đang phải đối phó với những làn sóng lây nhiễm mới, chủ yếu là do 2 biến chủng BA.4, BA.5, quốc gia này đã sử dụng một lượng lớn nhân lực, nguồn lực để kiểm tra, truy tìm với hy vọng sẽ tiêu diệt “Omicron tàng hình”. Giáo sư Wang Wenling, thuộc Viện Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh do vi rút của CDC Trung Quốc cho biết: “Khả năng lây truyền của BA.4, BA.5 tương đối cao hơn, dẫn đến việc khó kiểm soát và ngăn chặn chúng, nhất là khi Trung Quốc cắt giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày trong các cơ sở do chính phủ điều hành, sau đó là 3 ngày tại nhà đối với khách nước ngoài nhập cảnh”.
Tại Ấn Độ, Tổ chức Genomics SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG) hôm Chủ nhật xác nhận biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron đã xuất hiện ở Tamil Nadu và Telangana. Chúng thúc đẩy sự gia tăng các trường hợp nhiễm trùng từ 12 đến 13% so với các chủng cũ. Ngay cả những người có miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm chủng Delta vẫn có thể bị nhiễm BA.4, BA.5. Tiến sĩ Anurag Agarwal, giám đốc INSACOG và là chủ tịch nhóm cố vấn kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự tiến hóa của virus nói: “Về mặt kháng nguyên, BA.4, BA.5 hoàn toàn khác với BA.1. Vì vậy các kháng thể sẽ kém hiệu quả hơn, cộng với khả năng miễn dịch suy yếu sau một thời gian tiêm vắc-xin sẽ dẫn đến hai biến thể phụ lây lan nhanh chóng”. Tuy nhiên điều may mắn là BA.4, BA.5 chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp trên chứ không như chủng Delta, gây tổn thương nghiêm trọng ở phổi, dẫn đến số người nhập viện, thở máy và tư vong nhiều hơn.
Tại Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã tổ chức những buổi họp thảo luận về những biến thể nhằm định hướng cho việc nghiên cứu vắc xin thế hệ mới. Các nhà khoa học của FDA đã đề xuất BA.4, BA.5 nên là mục tiêu nhưng một số ý kiến cho rằng với tốc độ lây lan nhanh như thế thì liệu đến lúc vắc-xin chống BA.4, BA.5 ra đời rồi được phê duyệt, chúng có còn chiếm ưu thế trong việc lây lan hay không, hay là lại xuất hiện thêm những biến chủng mới. Bà Kanta Subbarao, đại diện cho Ủy ban cố vấn của WHO phát biểu trong cuộc họp rằng nên dùng biến thể BA.1 làm mục tiêu cho việc phát triển vắc-xin bởi những khảo sát cho thấy có thể tạo ra phản ứng miễn dịch rộng hơn. Hai công ty dược phẩm Moderna và Pfizer cũng đồng ý với nhận định này và cho biết các loại vắc xin mới nhằm vào biến thể BA.1 sẽ sớm được tung ra thị trường vào tháng 9 nhưng có thể mất vài tháng nữa đối với BA.4 và BA.5.
Tại Australia, biến chúng BA.4 và BA.5 đã bắt đầu gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 3. Ngay từ đầu tháng 1 năm nay, chỉ riêng biến chủng BA.1 đã khiến hơn 100.000 người phải nhập viện mỗi ngày. Tiếp theo, với biến chủng BA.2 xuất hiện hồi tháng 4, mỗi ngày có hơn 60.000 trường hợp phải nhập viện. Các khảo sát cho thấy mặc dù những loại vắc-xin hiện có không còn nhiều khả năng chống lại những biến chủng mới nhưng tỷ lệ tử vong do BA.4, BA.5 vẫn rất thấp. Adrian Esterman, giáo sư dịch tễ học, Đại học South Australia cho biết điều đáng nói là lần lây nhiễm thứ 4 lại trùng với đợt cúm mùa hàng năm, có thể sẽ khiến ngành y tế nước này lâm vào tình trạng quá tải.
Hiện tại, BA.4 và BA.5 đã được xác định ở một số quốc gia ngoài Nam Phi và bây giờ là Ấn Độ. Các báo cáo cho thấy BA.4 chiếm đa số ở Áo, Anh, Mỹ, Đan Mạch, Bỉ, Israel, Đức, Ý, Canada, Pháp, Hà Lan, Úc, Thụy Sĩ và Botswana. BA.5 ở Bồ Đào Nha, Đức, Anh, Mỹ, Đan Mạch, Pháp, Áo, Bỉ, Hồng Kông, Trung Quốc, Australia, Canada, Israel, Na Uy, Pakistan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Riêng tại Việt Nam, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM đã phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến chủng BA.5.
VŨ CAO (Theo WHO)