ĐỘNG ĐẤT KINH HOÀNG Ở AFGHANISTAN

Kỳ 2: Trông chờ vào thế giới bên ngoài

Thứ Sáu, 08/07/2022, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

1. Một ngày sau trận động đất, Abdul Qahar Balkhi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Afghanistan đề nghị “tất cả những ai, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới muốn giúp đỡ nạn nhân động đất Afghanistan đều được hoan nghênh. Viện trợ sẽ được đưa đến tận tay từng người và hoàn toàn minh bạch”.

Xe cứu thương và xe của tình nguyện viên khó nhọc vượt qua những đoạn đường bị tàn phá bởi động đất.
Xe cứu thương và xe của tình nguyện viên khó nhọc vượt qua những đoạn đường bị tàn phá bởi động đất.

Ông Lucien Christen, người phát ngôn của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (LHQ) tại Afghanistan cho biết Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã lập tức gửi thuốc men, trang thiết bị đến 5 bệnh viện ở khu vực phía đông Afghanistan, nơi không bị thiệt hại do động đất để các bệnh viện này có thể sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho những nạn nhân từ các nơi chuyển đến.

Bên cạnh đó, các đội y tế ứng phó khẩn cấp cũng đã được điều động từ tỉnh Ghazni đến Paktika. Ông Lucien Christen nói: “ICRC sẽ cung cấp vật tư y tế bổ sung cho 3 bệnh viện ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân”. Bên cạnh đó, một đội y tế của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) hiện đang điều hành một bệnh viên phụ sản ở tỉnh Khost nói họ cũng sẵn sàng tiếp nhận nạn nhân của trận động đất với thuốc men, thiết bị y tế do MSF gấp rút gửi sang.

Về phía Mỹ, Tổng thống Biden đã chỉ đạo Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ cùng các bộ phận khác trong chính quyền của ông ngay lập tức đánh giá các biện pháp giúp đỡ Afghanistan. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ các nhu cầu của người dân Afghanistan trong và sau thảm kịch khủng khiếp này”.

Một trong những biện pháp đầu tiên là những người Afghanistan hiện đang sống ở Mỹ có thể gửi tiền về quê nhà thông qua Công ty kiều hối Money Gram miễn là người nhận số tiền ấy không nằm trong danh sách trừng phạt vì tham gia khủng bố. Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký LHQ cũng lên tiếng kêu gọi các nước trên thế giới chú ý đến lời khẩn cầu giúp đỡ của Afghanistan.

Ông nói: “Chúng tôi trông cậy vào cộng đồng quốc tế giúp hỗ trợ hàng ngàn gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa mới nhất này. Bây giờ là lúc dành cho sự đoàn kết”.

Trở lại với huyện Barmal, một trong những nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, một đoạn phim do Taliban công bố cho thấy những rãnh dài đã được đào để chôn cất những người thiệt mạng. Karim Nyazai, cư dân huyện Barmal cho biết lúc xảy ra thảm họa thì ông đang ở một ngôi làng thuộc huyện Gyan. Ngay khi bình minh vừa ló dạng, ông vội vã quay về và chứng kiến 22 thành viên trong gia đình ông đều đã chết.

Karim Nyazai nói: “Toàn bộ làng tôi bị chôn vùi. Những người thoát được ra ngoài trước khi mọi thứ sụp đổ thì bây giờ đang cố gắng đào bới đống đổ nát với hy vọng mong manh rằng có ai đó còn sống”. Xác chết được quấn trong những chiếc chăn, đặt trên những khoảnh đất trống để chờ nhận dạng rồi đem chôn. Arup Khan, 22 tuổi, vẫn chưa hoàn hồn khi được kéo ra khỏi căn nhà bị sập. Mắt anh trừng trừng nhìn vào khoảng không khi được báo rằng 9 người trong gia đình anh chẳng ai thoát chết.

Cứ vài phút hoặc lâu hơn một chút, lại có tiếng kêu về việc phát hiện thêm một hoặc vài tử thi. Trận động đất còn gây ảnh hưởng đến nước láng giềng Pakistan, Ấn Độ. Người dân ở thủ đô Islamabad và Peshawar, tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa và tỉnh Punjab cũng cảm nhận được những chấn động nhưng không có thiệt hại nghiêm trọng nào về tài sản hoặc con người.

Sáng thứ Năm, những chiếc xe cứu thương, xe của tình nguyện viên với vật phẩm cứu trợ khởi hành đến các tỉnh Logar, Khost, Paktika và Paktia nhưng vấn đề trước mắt là tiếp cận được các khu vực bị động đất tàn phá. Tài xế Ibrahim cho biết trận động đất đã phá hủy gần như toàn bộ những con đường dẫn vào nơi này: “Những ổ trâu, những rãnh đứt gãy và những quả đồi hình thành do đất lở, kể cả những xe bị sa lầy, sụt hố, nằm chắn ngang đường đã làm chậm bước tiến của chúng tôi...”.

Theo một quan chức Taliban, trong số gần 60 máy bay trực thăng các loại thu được của Chính phủ Kabul sau tháng 8/2021, hiện chỉ còn khoảng 9 chiếc là có thể bay được vì thiếu phụ tùng thay thế.  Sở dĩ nó “còn bay được” là do Taliban ra lệnh tháo phụ tùng còn tốt của chiếc này để lắp sang chiếc kia.

2. Tháng 12 năm ngoái, 4 tháng sau khi Taliban kiểm soát toàn bộ đất nước Afghanistan, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về sự mong manh của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Afghanistan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh và điều này đã trở thành sự thật khi động đất.

Trước đó, hồi tháng Giêng 2021, một trận động đất cũng đã xảy ra tại một khu vực miền núi phía Tây Afghhanistan khiến ít nhất nhất 27 người thiệt mạng, gần 90 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy. Xa hơn nữa, một trận động đất khác vào năm 2015, giết chết hơn 300 người ở miền Bắc, hơn 700 người bị thương và hàng ngàn người mất nhà cửa nhưng thời điểm ấy, nạn nhân của cả hai vụ động đất đều được hỗ trợ kịp thời bởi trực thăng của quân đội Chính phủ Kabul do Mỹ và đồng minh hậu thuẫn.

Bilal Karimi, phó phát ngôn viên Taliban viết trên trang Twitter: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các cơ quan viện trợ quốc tế cử người đến các khu vực bị tàn phá bởi động đất ngay lập tức để ngăn chặn thảm họa có thể bùng phát thêm” nhưng theo nhiều tổ chức từ thiện, điều quan trọng là những nhà lãnh đạo Taliban có chấp thuận Afghanistan là “bầu trời mở” để máy bay chở hàng viện trợ có thể dễ dàng hạ cánh xuống sân bay Kabul và thậm chí trực thăng cũng có thể đáp xuống vùng thảm họa thay vì ngoài những chuyến bay ít ỏi vì “lý do an ninh”, thuốc men, thực phẩm, lều bạt, nước uống…, phần lớn phải mượn đất Pakistan để trung chuyển bằng đường bộ như các tổ chức cứu trợ Anh, Mỹ, Italia, Pháp, Đức… đang làm!

VŨ CAO

(Theo Inside Politics)

;
.