Những bí ẩn của bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Sáu, 03/06/2022, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

Tính đến ngày 26/5/2022, ngành y tế của các quốc gia Anh, Canada, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Italia, Pháp, Mỹ, Autralia, Đức, Bỉ… đã ghi nhận 236 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox), và gần 300 người khác đang được theo dõi. Đây là căn bệnh hiếm gặp, thường chỉ xuất hiện ở Trung và Tây Phi châu với tỷ lệ tử vong là khoảng 1/10.

Những nốt phát ban do virus đậu mùa khỉ và hình ảnh virus dưới kính hiển vi.
Những nốt phát ban do virus đậu mùa khỉ và hình ảnh virus dưới kính hiển vi.

Năm 1970, bệnh đậu mùa khỉ trên người được phát hiện lần đầu tiên ở Cộng hòa Dân chủ Congo rồi trong những năm tiếp theo, bệnh chủ yếu xuất hiện ở các quốc gia Trung và Tây Phi, bao gồm Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cote d’Ivoire, Gabon, Liberia, Nigeria và Sierra Leone với những triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, phần lớn là cơ lưng, nổi hạch… Sau đó khoảng từ 1 đến 3 ngày, trên cơ thể bệnh nhân xuất hiện những mụn nhỏ, bóng nước, hầu hết ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cánh tay và chân. Những mụn ấy còn có thể xuất hiện ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục.

Tiếp theo, từ dạng mụn nước, nó chuyển sang mụn mủ rồi sau 2 đến 4 tuần, nó khô đi, đóng vảy và xẹp xuống. Tỉ lệ tử vong do đậu mùa khỉ gây ra là khoảng 1/10 bởi các biến chứng nhiễm trùng máu, viêm mô não, viêm phế quản phổi. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể giảm hoặc mất thị lực do nhiễm trùng giác mạc.

Và mặc dù có xuất xứ từ châu Phi nhưng điều đáng chú ý là hiện nay, phần lớn những ca nhiễm bệnh ở châu Âu, Mỹ, châu Á và Trung Đông lại chưa hề đến châu Phi lần nào.

Tiến sĩ Oyewale Tomori, nhà virus học đứng đầu Học viện khoa Học Nigeria (NAS) đồng thời cũng là thành viên ban cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói: “Tôi vô cùng ngạc nhiên. Mỗi ngày thức dậy tôi lại thấy thêm nhiều quốc gia có người bị nhiễm. Đây không phải là kiểu lây lan như chúng tôi đã từng chứng kiến ở châu Phi, mà có thể một nguồn lây nhiễm mới nào đó ở phương Tây đang bùng phát”.

Vẫn theo Tiến sĩ Oyewale Tomori, mỗi năm Nigeria báo cáo khoảng 3.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Các đợt bùng thường xảy ra ở vùng nông thôn, nơi người ta tiếp xúc gần với chuột và sóc đã nhiễm bệnh. Bác Sĩ Ifedayo Adetifa, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria cho biết “không ai trong số những người Nigeria tiếp xúc với người Anh nên việc nghiên cứu cơ chế lây làn vẫn đang được tiếp tục”.

Trong khi đó, tại nước Anh, giới chức y tế của quốc gia này đang tìm hiểu xem liệu đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không bởi lẽ một tỉ lệ đáng chú ý là trong số các ca bệnh ở Anh, ở châu Âu là các nam thanh niên chưa từng đến châu Phi bao giờ nhưng họ là người đồng tính, song tính, có quan hệ tình dục với nam giới.

Ngày 20/5, Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA) báo cáo đã có thêm 11 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, tất cả đều là nam và đều có quan hệ tình dục đồng tính. Một quan chức của UKHSA nói mặc dù chưa có chứng cứ cụ thể về việc virus đâu muà khỉ lây truyền qua đường tình dục đồng giới nhưng như bệnh Ebola chẳng hạn, mãi sau này y học mới chứng minh được rằng nó có thể lây lan dưới nhiều hình thức khác nhau nên UKHSA không loại trừ bất kỳ yếu tố nào.

Vẫn theo UKHSA, con người thường mắc bệnh khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh. Và mặc dù được gọi là “đậu mùa khỉ” nhưng khỉ lại không phải là nguyên nhân lây nhiễm, mà là một số loài gậm nhấm. Khi virus xâm nhập vào cơ thể người, nó chỉ lây lan nếu người bình thường tiếp xúc với người đã bị nhiễm thông qua những giọt bắn khi họ ho, hắt hơi, hoặc qua máu, qua dịch mủ từ những nốt ban.

Còn với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mặc dù chỉ mới phát hiện 2 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ nhưng CDC đã cảnh giác cao độ bằng cách yêu cầu các bác sĩ báo cáo ngay những trường hợp sốt phát ban bất thường, bất kể bệnh  nhân có tiền sử du lịch nước ngoài, đặc biệt là châu Phi hoặc quan hệ tình dục đồng giới hay không. Bác sĩ Jennifer McQuiston, phó giám đốc CDC Mỹ nói: “Chúng tôi tin rằng có thể có một số phương thức lây truyền bất thường thông qua tiếp xúc giữa người và người. Đó là điều mà trước đây, chúng tôi chỉ giới hạn ở một số bệnh như lao, dịch hạch, dịch tả hoặcCovid-19.”

Tuy nhiên, so sánh mức độ phổ biến của bệnh đậu mùa khỉ, các quan chức CDC cho rằng “chưa đặt ra sự báo động đỏ đối với sức khỏe cộng đồng”. Trong một cuộc họp báo ở Massachusetts, nơi một người đàn ông vừa đi du lịch ở  Canada rồi quay về Mỹ và nhiễm đậu mùa khỉ, bác sĩ Paul Biddinger, trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Mass General Brigham, khuyến cáo mọi người “nên nhận thức đầy đủ các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ nhưng không nên sợ hãi”, đồng thời “những cá nhân có nguy cơ cao nhiễm đâu mùa khỉ vì đã tiếp xúc gần với người bị bệnh thì nên tránh gặp những người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 12 tuổi vì các đối tượng này dễ bị lây lan nghiêm trọng hơn”.

Trong một diễn biến khác, WHO ghi nhận rằng những người đã từng tiêm ngừa vaccine đậu mùa hoặc một số loại thuốc kháng virus thì khả năng nhiễm đậu mùa khỉ là gần như bằng không. Tiến sĩ Michael Head, chuyên gia cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, Anh Quốc cho biết: “CDC Tây Ban Nha đang xem phòng tắm hơi công cộng như một một môi trường phơi nhiễm khi phát hiện một số người đã từng vào đây rồi vài ngày sau đó, nhiễm đậu mùa khỉ trong lúc một số khác thì không. Các khảo sát cho thấy những người không nhiễm đều đã được tiêm ngửa vaccine sởi”.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn cầu đã có 326 trường hợp nhiễm đâu mùa khỉ và hơn 300 ca đang được theo dõi, xảy ra tại 14 quốc gia trong đó hơn một nửa là ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhưng chưa ai tử vong. Phân tích di truyền của virus đậu mùa khỉ đang gây bệnh hiện nay cho thấy cấu trúc sinh học của nó gần giống với loại virus đậu mùa khỉ lây lan ở Nigeria vào năm 2018, 2019. Tiến sĩ Cromwell, Đại học Y khoa John Hopkins cho biết ông đang đặc biệt quan tâm về chi tiết này bởi lẽ: “Cũng như virus SARS-Cov-2, biến chủng Delta của nó chính là nguyên nhân giết người nhiều nhất thì biết đâu, biến thể của virus đậu mùa khỉ sẽ không lập lại điều tương tự…”.

VŨ CAO (Theo Medical News)

;
.