Lần đầu tiên phát hiện hạt nhựa siêu nhỏ trong phổi người

Thứ Sáu, 17/06/2022, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa qua, các bác sĩ ở Bệnh viện ST Thomas, London, Anh Quốc trong quá trình lấy mẫu từ khối u ở phổi của một bệnh nhân để làm xét nghiệm bệnh lý, đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện trong mẫu có chứa hàng nghìn hạt nhựa nhỏ li ti (vi hạt), kích thước chỉ bằng 1/20 sợi tóc.  Đây cũng là lần đầu tiên Y học ghi nhận hiện tượng này và nó là tiếng chuông cảnh báo cho một mối nguy hiểm tiềm tàng.

Bằng phương pháp phân tích quang phổ, những hạt vi nhựa (màu trắng) được tìm thấy trong máu người sống (những hạt lớn màu đỏ là hồng cầu).
Bằng phương pháp phân tích quang phổ, những hạt vi nhựa (màu trắng) được tìm thấy trong máu người sống (những hạt lớn màu đỏ là hồng cầu).

Theo bác sĩ Lawrence, người thực hiện xét nghiệm mẫu khối u trong phổi bệnh nhân thì thành phần chủ yếu của các vi hạt là nhựa Polypropylene (PP), Polyetylen Tereplatat (PET) và phải sử dụng phương pháp quang phổ mới xác định được. Nó có trong những chiếc ly đựng đồ uống, trong bao bì thực phẩm và ống hút. Khi vào dạ dày, các vi hạt sẽ đi qua niêm mạc dạ dày vào máu rồi theo hệ tuần hoàn đến phổi, gan, lá lách, ruột non, ruột già…. Bác sĩ Lawrence nói: “Ở phổi, nó bám vào các phế nang rồi lâu dài, nó tích tự thành từng mảng. Cơ thể lúc ấy sẽ phản ứng bằng cách tiết ra chất nhầy để bao bọc mảng vi hạt, dẫn đến việc hình thành khối u. Khi ấy, tần suất và lưu lượng không khí mỗi khi hít thở sẽ giảm khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược…”.

Trước đó, ở Mỹ và Nam Phi, các bác sĩ cũng đã phát hiện 13 bệnh nhân có các vi hạt nhựa ở các mô trong cơ thể nhưng chỉ xảy ra khi cả 13 người ấy đều đã chết bởi những bệnh lý khác nhau nhưng ở Anh Quốc, nó xảy ra ngay trên người còn sống. Giáo sư Laura Sadofsky, giảng viên cao cấp Bộ môn mô phôi thuộc Đại học Y khoa Hull York, Anh Quốc cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng các vi hạt nhựa lại tập trung gần dưới đáy phổi trong lúc lẽ ra khi vào phổi, qua quá trình hô hấp, nó sẽ bị lọc ra và chỉ tích lũy ở đỉnh phổi. Dữ liệu này cung cấp một bước tiến quan trọng về vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm thực phẩm. Nó hoàn toàn có thể góp phần bổ sung những quy định về vật liệu nhựa mà chúng ta vẫn áp dụng bấy lâu nay”.

Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả các vật liệu bằng nhựa dùng trong công nghiệp thực phẩm đều phải ghi rõ đó là loại chỉ được phép sử dụng một lần hay có thể tái chế. Giáo sư Laura Sadofsky nói: “Lấy thí dụ như Polyetylen Tereplatat (PET) chẳng hạn, nó vẫn được làm ly uống nước, chai đựng nước…, Nó có khả năng chịu lực và chịu nhiệt cao. Khi nhiệt độ tăng lên đến 200oC hay lạnh ở mức -90oC thì cấu trúc hóa học của PET vẫn giữ nguyên. Bên cạnh đó, PET có tính chống thấm khí O2 và CO2 tốt hơn nhiều loại nhựa khác”.

Tuy nhiên, vẫn theo Giáo sư Laura Sadofsky, nhưng tính chất này chỉ đúng nếu ly, chai PET đựng nước uống thông thường nhưng nếu ta đựng nước chanh chẳng hạn, acid Citric có trong chanh với nồng độ cao sẽ phân hủy chuỗi liên kết của các phân tử PET và hậu quả là các vi hạt nhựa cũng tách ra và dĩ nhiên, người uống sẽ hấp thu gần như toàn bộ các vi hạt này, chưa kể đến ly, chai sau khi sử dụng bị vứt bừa bải ra môi trường bên ngoài rồi dưới tác dụng của tia tử ngoại, hồng ngoại trong ánh nắng mặt trời, chuỗi cấu trúc phân tử của PET sẽ bị phá hủy, giải phóng vi hạt nhựa vào không khí nên trong quá trình hít thở, con người sẽ vô tình đưa luôn những vi hạt ấy vào phổi.

Một thí dụ khác là ống hút nhựa. Phần lớn nó đều làm từ Polypropylene (PP) có pha thêm chất tạo màu và các phụ gia. Độ bền cơ học của ống hút nhựa rất cao, khó xé rách hoặc đứt gãy nhưng cũng như ly, chai, ống hút PP cũng chịu tác dụng bới những chất có tính acid. Một nghiên cứu năm 2021 ở Brazil trên các mẫu lấy ở 20 tử thi bệnh nhân thì 16 mẫu có vi hạt PET, PP. Tại Mỹ, các mẫu khám nghiệm tử thi chết vì bệnh ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng…, đã tìm thấy các vi hạt và cả sợi thực vật (sợi bông có nguồn gốc từ quần áo, túi xách bằng vải, chăn mền dệt từ len). Trong 100 mẫu xét nghiệm, có 97 mẫu chứa vi hạt, 83 mẫu chứa sợi bông. Ngoài ra vi hạt còn được tìm thấy trong nhau thai của phụ nữ mang thai và ngay cả trong một số cơ quan như phổi, gan của bào thai nữa.

Ngày 30/3/2022, nghiên cứu của Bệnh viện ST Thomas, London, Anh Quốc, được đăng tải trên một trong những tạp chí khoa học nổi tiếng nhất thế giới là Science of the Total Environment. Bài báo kết luận: “Những nghiên cứu chi tiết về cách các vi hạt ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc và quá trình phát triển của cơ thể con người, và liệu chúng có thể gây ra sự đột biến tế bào, nguồn gốc của bệnh ung thư hay không là điều  khẩn cấp trong bối cảnh các đồ dùng bằng nhựa ngày càng được sản xuất theo cấp số nhân. Nhất là vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng bỏ qua các quy định vốn bắt buộc phải có”.

Hiện tại, vẫn chưa có một giải pháp nào khả dĩ có thể thay thế được các vật dụng bằng nhựa ngoài những khuyến cáo mang tính chung chung như chỉ dùng ly nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa một lần, không đựng những thứ đồ uống có tính acid, không vứt rác nhựa bừa bãi… Một số công ty thực phẩm trên thế giới đã thử áp dụng ly đựng đồ uống, ống hút bằng giấy nhưng để không thấm nước, nó lại phải được tráng bằng một lớp sáp khiến giá thành tăng lên, chưa kể nó chỉ đựng được thức uống lạnh. Cũng có công ty cho ra đời loại ống hút bằng thủy tinh nhưng lại gây nguy hiểm cho trẻ con nếu chúng vô tình cắn vỡ. Giáo sư Laura Sadofsky nói: “Đó là một cái vòng luẩn quẩn và trước mắt, ngày nào chúng ta cũng phải tiếp xúc với những sát thủ vô hình…”.

VŨ CAO

(Theo Science of the Total Environment)

;
.