Ngày 9/6, Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio cho rằng, cuộc chiến tại Ukraine đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực, cần phải can thiệp ngay lập tức và kêu gọi phản ứng của cộng đồng quốc tế trong phối hợp giải quyết khủng hoảng.
Phát biểu sau hội nghị trực tuyến Đối thoại Địa Trung Hải về khủng hoảng lương thực toàn cầu, Ngoại trưởng Di Maio nói: “Chúng tôi mong đợi dấu hiệu cụ thể từ phía Nga liên quan đến việc mở cửa lúa mì. Một cuộc khủng hoảng lương thực có nguy cơ gây ra những hậu quả tàn khốc, bởi có nguy cơ gây mất ổn định các quốc gia vốn rất mong manh, kéo theo cuộc chiến mới và tạo ra dòng người di cư ngày càng lớn và khó kiểm soát”.
Ngoại trưởng Di Maio nhấn mạnh, Italia sẽ đóng một vai trò trong phản ứng của cộng đồng quốc tế với cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời khẳng định “câu trả lời chỉ có thể là phối hợp và đa phương”.
Trước đó, Thủ tướng Italia Mario Draghi cũng đã thảo luận nguy cơ khủng hoảng lương thực với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky nhằm kêu gọi hai bên phối hợp “giải phóng” ngũ cốc. Thủ tướng Draghi nêu rõ: “Hỗ trợ Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm hiện đang ứ đọng trong các kho chứa là vấn đề khẩn cấp”.
Đối thoại cấp Bộ trưởng Địa Trung Hải lần đầu tiên thảo luận về khủng hoảng lương thực do Đức (với tư cách là Chủ tịch Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới - G7), Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20) và Liban - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng lương thực đồng chủ trì.
Đối thoại nhằm xác định các biện pháp cụ thể để giải quyết các tác động tới khu vực Địa Trung Hải, tìm ra giải pháp tránh khủng hoảng lương thực và dòng người di cư mới. Sự kiện có sự tham gia của 24 quốc gia trong khu vực, đại diện của các tổ chức quốc tế.
THANH HẰNG