Indonesia sẽ giám sát 2 tháng trước khi tuyên bố kết thúc đại dịch

Thứ Sáu, 10/06/2022, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 10/6, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan xác nhận rằng, chính phủ sẽ theo dõi tình hình đại dịch COVID-19 trong 2 tháng tới trước khi chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện, Bộ trưởng Luhut nhấn mạnh: “Tất cả phải đoàn kết để đối mặt với đại dịch COVID-19 vì chúng ta không thể tiếp tục tình trạng này quá lâu”.

Ông thừa nhận đang rất lo lắng trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày của Indonesia trong 3 ngày liên tiếp gần đây ở mức 500 ca và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng từ mức 0,5-0,8%  lên 1%, dù vẫn thấp hơn mức tiêu chuẩn 5% của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ông cho biết đã báo cáo Tổng thống Joko Widodo về việc giám sát diễn tiến lây lan COVID-19 trong tháng 6 và tháng 7 trước khi thay đổi tình trạng đại dịch của đất nước thành bệnh đặc hữu.

Theo Bộ trưởng Luhut, nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát thành công trong hai tháng này, Indonesia có thể thông báo chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu trong ngày Quốc khánh 17/8 tới.

Indonesia công bố các ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 3/2020. Theo số liệu của Lực lượng Đặc nhiệm xử lý COVID-19 thuộc chính phủ, tính đến ngày 9/6, quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng 6.057.142 ca mắc COVID-19, trong đó 156.622 ca tử vong.

Liên quan tới vấn đề vắc xin phòng COVID-19, cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia cho biết trong năm nay sẽ dành gói ngân sách 1.300 tỷ Rupiah (89,2 triệu USD) để đặt mua vắc xin ngừa COVID-19 sản xuất trong nước.

Theo Thứ trưởng Y tế Dante Saksono Harbuwono, tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 của Indonesia hiện đã ở mức cao, đạt hơn 400 triệu mũi tiêm, song không biết khi nào đại dịch kết thúc.

Ông cho rằng, tình hình đại dịch hiện nay đang trong tầm kiểm soát, thể hiện qua số ca tử vong hàng ngày thấp, tỷ lệ lây nhiễm, tỷ lệ lấp đầy bệnh viện và tỷ lệ tiêm chủng.

Ngoài ra, điều này cũng được thể hiện qua kết quả nghiên cứu huyết thanh nhằm, theo đó có tới 99,2% người Indonesia đã mang kháng thể đối với virus SAR-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Thứ trưởng Dante cho biết thêm rằng, Bộ Y tế sẽ đánh giá nhu cầu vắc xin ngừa COVID-19 của người dân. Sau khi đảm bảo rằng nhu cầu trong nước đã được đáp ứng, các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia sẽ xuất khẩu vắc xin sang các nước có nhu cầu.

QUANG HÀ

;
.