Tỷ lệ lạm phát của Đức tiếp tục lên mức cao mới

Thứ Ba, 31/05/2022, 19:21 [GMT+7]
In bài này
.

Thông báo của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế nước này tiếp tục tăng lên mức cao mới.

Theo tính toán sơ bộ của Destatis, trong tháng 5/2022, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng Tư trước đó, tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 tiếp tục tăng 0,9%.

Như vậy tỷ lệ lạm phát ở Đức đã duy trì trên mốc 7% trong tháng thứ 3 liên tiếp (tháng 3 là 7,3%; tháng 4 là 7,4 và 7,9% trong tháng 5). Đây là mức tăng cao nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ qua.

Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao ở Đức (cũng như toàn bộ khu vực đồng euro) là do giá năng lượng và lương thực tăng mạnh.

Xu hướng tăng giá năng lượng đã tồn tại trong thời gian dài và càng trở nên trầm trọng hơn sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra.

Theo các chuyên gia thống kê Đức, trong tháng 5/2022, giá năng lượng đã tăng 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực cũng tăng với tốc độ trung bình là 11,1%.

Ngoài ra, tương tự như trong đại dịch COVID-19, các ngành công nghiệp hiện đang phải vật lộn với khó khăn về các chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm trung gian đầu vào, làm cho các sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn.

Tỷ lệ lạm phát cao là gánh nặng cho người dân và các doanh nghiệp Đức, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm.

Theo chuyên gia kinh tế Holger Schmieding, áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức rất cao trong thời điểm hiện tại, khi mà tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu và thực phẩm vẫn tồn tại. Tình hình khó khăn này chỉ có thể giảm bớt từ mùa Thu tới.

Chuyên gia Schmieding cũng cho biết, việc giảm giá nhiên liệu và các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ Đức sẽ đảm bảo tỷ lệ lạm phát không tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Bộ Tài chính Đức hiện coi việc chống lạm phát cao là ưu tiên hàng đầu trong chính sách tài khóa, với mục tiêu phá vỡ vòng xoáy lạm phát hiện tại.

Một trong những biện pháp được Bộ trưởng Christian Lindner nhấn mạnh là chấm dứt chính sách tài chính mở rộng đã thực hiện trong những năm qua. Ông cảnh báo lạm phát cao là "một rủi ro kinh tế to lớn", và cần có các biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này.

VŨ TÙNG

;
.