G7 tăng mạnh tài trợ cho các nước ứng phó biến đổi khí hậu
Các bộ trưởng khí hậu, môi trường và năng lượng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa kết thúc hội nghị kéo dài 2 ngày tại Berlin (Đức), với việc lần đầu tiên cam kết tăng gấp đôi tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng khí hậu, môi trường và năng lượng các nước G7 chụp ảnh chung tại hội nghị ở Berlin, Đức. |
Các bộ trưởng G7 - gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Anh, Italia, Pháp và Đức, đã thông qua hàng loạt biện pháp quan trọng nhằm tăng cường tham vọng bảo vệ khí hậu.
Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, G7 nhất trí tới năm 2025 tăng gấp đôi nguồn lực tài chính cho các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ các nước này khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Một điểm quan trọng được các bộ trưởng G7 thông qua là lần đầu tiên cam kết mục tiêu tạo ra nguồn điện không carbon tới năm 2035, hướng tới chấm dứt sử dụng điện than.
Ngoài ra, G7 cũng sẽ chấm dứt tài trợ cho hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch tới cuối năm 2022.
Tuy nhiên, vẫn có khả năng có một số trường hợp ngoại lệ nếu các trường hợp này đáp ứng mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, G7 cam kết tới năm 2025 sẽ chấm dứt các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch mà các nước đang sử dụng để hỗ trợ người dân do giá năng lượng tăng cao.
Bên cạnh đó, G7 cũng hướng tới mục tiêu giảm mạnh nguồn điện than, hướng tới trung hòa carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tới năm 2030, nâng cao đáng kể số phương tiện không phát thải trong thập kỷ này.
G7 cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các ngành công nghiệp với mục tiêu đạt được sự nhất trí chung để sản xuất thép và ximăng gần như không phát thải.
G7 nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn để giảm phát thải CO2 và đề ra một bộ công cụ để khử carbon trong lĩnh vực công nghiệp.
Các nước G7 cũng sẽ tăng cường quan hệ đối tác với một số quốc gia đang phát triển và mới nổi để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài các vấn đề trên, G7 cũng nhất trí mục tiêu bảo vệ các đại dương, cụ thể là gìn giữ, bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng biển, thúc đẩy giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Trong tuyên bố cuối cùng của G7, cam kết về chấm dứt sử dụng điện than với thời hạn chót là năm 2030 đã bị xóa bỏ so với dự thảo ban đầu. Mục tiêu cụ thể này không nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản.
Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke bày tỏ hài lòng với kết quả đạt được tại hội nghị G7 lần này. Bà cho rằng tuyên bố cuối cùng của hội nghị "nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học trong tự nhiên và cam kết chống ô nhiễm rác thải nhựa".
Bên cạnh đó, G7 cũng nhất trí tiến hành Hội nghị bảo tồn tự nhiên thế giới trong năm nay, đưa vấn đề bảo vệ các đại dương vào trọng tâm trong các chính sách của G7.
MẠNH HÙNG