.

Châu Á đóng vai trò quan trọng với tương lai thế giới

Cập nhật: 19:43, 27/05/2022 (GMT+7)

Tối 26/5, trong phát biểu tại tiệc chiêu đãi các trưởng đoàn tham dự Hội nghị quốc tế tương lai châu Á lần thứ 27, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định, châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng không chỉ khu vực mà còn trên toàn thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Theo Thủ tướng Kishida, hiện nay, tình hình quốc tế có nhiều biến động và thách thức mà các nước phải đối mặt cũng tương đối khác nhau, nhưng tựu chung lại có thể nhìn nhận ở 3 vấn đề chính.

Thứ nhất là vấn đề ngoại giao và an ninh, nơi các quyết định và hành động được đưa ra trên cơ sở chính sách của từng quốc gia. Đó là việc ứng phó với những rủi ro xung đột với nền tảng trật tự quốc tế và các giá trị phổ quát như tự do, nhân quyền.

Thứ hai là vấn đề các quy tắc liên quan đến thương mại - đầu tư hoặc chuyển đổi số, trong đó các công ty hoạt động xuyên quốc gia đóng vai trò chính. Các mạng lưới quy tắc đa dạng hiện nay đang đóng vai trò vô cùng quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…

Bên cạnh đó, Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mới được Mỹ đề xuất có ý nghĩa chiến lược to lớn với nhiều nỗ lực đầy tham vọng trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, củng cố chuỗi cung ứng, khử carbon…

Thứ ba là các vấn đề quốc tế khác như dịch bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu… Các nước châu Á cần tích cực hợp tác giảm bớt xung đột và tách bạch vấn đề này với vấn đề ngoại giao, an ninh.

Hình dung về tương lai của châu Á, Thủ tướng Kishida cho rằng, hiện tại châu Á không chỉ gói gọn trong phạm vi của châu Á mà được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng bền vững cho thế giới.

Tầm nhìn của châu Á cần được đặt trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, hậu COVID-19, là một khu vực tự do và cởi mở, một khu vực phát triển bền vững mạnh mẽ và một khu vực góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN đóng vai trò hết sức quan trọng. Năm tới, Nhật Bản và ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác, các bên cần tận dụng cơ hội này để đưa quan hệ Nhật Bản-ASEAN bước vào một giai đoạn mới.

Theo Thủ tướng Kishida, Nhật Bản sẽ tập trung vào 4 hành động chủ yếu là xây dựng một trật tự quốc tế tự do và mở rộng, hợp tác để duy trì một trật tự hòa bình, khôi phục giao lưu con người và tăng cường hợp tác để cùng nhau vượt qua các thách thức.

Đồng thời, chính phủ Nhật Bản cũng xác định 5 trụ cột chính trong tăng cường hợp tác với các nước châu Á gồm: Đầu tư vào đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; Củng cố chuỗi cung ứng; Đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối châu Á; Thực hiện bao phủ y tế và Xây dựng cộng đồng châu Á không phát thải khí carbon.

Cuối cùng, Thủ tướng Kishida khẳng định, Nhật Bản mong muốn là một láng giềng tốt, một đối tác tốt, cùng các nước mở ra tương lai tốt đẹp của châu Á.

PHẠM TUÂN

.
.
.