EU nhất trí cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/5 đã ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga, trong một thỏa thuận có sự thỏa hiệp với Hungary để phản đối Moskva vì đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu OMV lớn nhất của Áo ở Schwechat. |
Quan chức này cho hay, đã có sự nhất trí cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU và lệnh cấm ngay lập tức áp dụng đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ của Nga. Đây là quyết định nhằm gây sức ép tối đa lên Nga.
Ông Charles Michel cho biết thêm, các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và cấm thêm 3 đài thuộc sở hữu nhà nước Nga.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen, người đã đề xuất gói trừng phạt thứ 6 hồi đầu tháng 5, cho biết liên minh vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU diễn ra trong 2 ngày 30-31/5 tại thủ đô Brussels, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thảo luận về sự cần thiết phải đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế Ukraine.
Hội đồng châu Âu (EC) đã đề xuất viện trợ lên tới 9 tỷ euro trong năm nay cho Ukraine và đảm bảo an ninh lương thực khi nguồn ngũ cốc lớn từ Ukraine không tới được các nước cần nhập khẩu, nhất là các nước châu Phi do chiến tranh.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cũng ủng hộ việc thành lập một quỹ quốc tế để tái thiết Ukraine sau chiến tranh, đồng thời cam kết đẩy nhanh việc giúp Ukraine chuyển ngũ cốc ra khỏi đất nước tới các khách hàng toàn cầu bằng đường sắt cũng như đường bộ và thực hiện các bước để nhanh chóng không phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/5 tuyên bố sẵn sàng tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, bao gồm ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.
Phát biểu trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Putin tái khẳng định rằng, Nga có thể xuất khẩu lượng lớn phân bón và thực phẩm nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva được dỡ bỏ.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan nêu rõ Ankara sẵn sàng giữ một vai trò trong cơ chế giám sát giữa Nga, Ukraine và Liên hợp quốc nếu các bên đạt được thỏa thuận về vấn đề này.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập hòa bình sớm nhất có thể và triển khai các bước nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề Ukraine.
MẠNH HÙNG