.

Nga sẽ chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á

Cập nhật: 19:08, 15/04/2022 (GMT+7)

Ngày 15/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này sẽ chú trọng xuất khẩu năng lượng sang hướng Đông, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến của chính phủ tại Moskva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến của chính phủ tại Moskva.

Phát biểu tại cuộc họp chính phủ được phát trên truyền hình, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Điều đáng ngạc nhiên là các đối tác từ các quốc gia không thân thiện (cách Moska sử dụng để mô tả các nước áp đặt biện pháp trừng phạt) thừa nhận rằng, họ sẽ không thể làm gì nếu không có các nguồn năng lượng của Nga, chẳng hạn như không có khí đốt tự nhiên”.

Ông cho rằng, hiện không có nguồn cung khí đốt thay thế hợp lý cho khí đốt của Nga ở châu Âu, chỉ trích động thái của các nước châu Âu ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga là nguyên nhân gây bất ổn thị trường và đẩy giá năng lượng tăng cao. Ông cảnh báo nỗ lực này của phương Tây chắc chắn sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga cần bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho các nước châu Á. Ông Putin nêu rõ: “Chúng ta cần đa dạng hóa xuất khẩu, từng bước chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển nhanh ở phía Nam và phía Đông”.

Cũng theo Tổng thống Putin, Nga cần tìm phương án thay thế cho hoạt động nhập khẩu thiết bị phục vụ hoạt động khai thác, sản xuất dầu mỏ và khí đốt.

Ông cũng dự đoán vai trò của đồng nội tệ ruble trong các hợp đồng thương mại sẽ tăng lên, trong bối cảnh Nga đã yêu cầu bên mua khí đốt thanh toán bằng đồng ruble.

Những tuyên bố trên được Tổng thống Putin đưa ra trong bối cảnh phương Tây áp các lệnh cấm vận và hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga, như một phần các biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn, nhằm gạt nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine.

Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá.

Nga, nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với châu Á và Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.

Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italia và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này.

Ở một diễn biến có liên quan, ngày 15/4, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng, nước này nên bắt đầu tiết kiệm năng lượng ngay từ bây giờ để trở nên độc lập hơn với các nguồn năng lượng hóa thạch của Nga.

Bộ trưởng Habeck cho biết, Đức có thể trở nên ít phụ thuộc hơn nếu các công dân giảm tiêu thụ năng lượng, đồng thời gợi ý sử dụng tàu hỏa và xe đạp thay ô tô riêng bất cứ khi nào có thể.

Ông Habeck nhận định, việc cắt giảm 10% lượng năng lượng tiêu thụ là có thể thực hiện được, đồng thời cho rằng, các chủ doanh nghiệp có thể đóng góp vào điều này bằng cách đưa ra sự lựa chọn làm việc ở nhà cho nhân viên.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói rằng, nước này đang “hành động nhanh nhất có thể” để có thể từ bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, nhưng loại trừ khả năng chấm dứt sử dụng năng lượng Nga một cách đột ngột.

Cũng trong ngày, báo New York Times dẫn lời các nhà ngoại giao giấu tên của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, liên minh này dự kiến áp đặt lệnh cấm nhập khẩu theo giai đoạn các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Điều này sẽ cho phép các nước thành viên EU, đặc biệt là Đức, có thể tìm kiếm những nhà cung cấp khác.

Báo New York Times cho biết, các cuộc đàm phán về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ sẽ được hoãn cho đến khi vòng cuối cùng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra, nhằm đảm bảo rằng kết quả sự kiện này sẽ không bị tác động bởi các cuộc đàm phán.

PHƯƠNG OANH

.
.
.